Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn là nguyên nhân chính tác động đến thanh khoản thị trường chứng khoán. |
Sức ép bán ra từ khối nội
Nhận định về xu hướng thị trường, ông Đặng Duy Việt – Chuyên gia Nghiên cứu Chứng khoán MBS cho rằng áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn là nguyên nhân chính tác động đến thanh khoản thị trường. Tuy vậy, thời điểm hiện tại tỷ giá USD đang có xu hướng tạo đỉnh đi xuống sẽ giảm bớt áp lực thanh khoản trên thị trường.
“Chỉ số VN-Index đang gần ngưỡng hỗ trợ mạnh từ 880-900 điểm – đây là mức đáy năm 2018 và 2019, đồng thời là mức đỉnh của tháng 6/2020. Sau khi kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ cứng trên, có khả năng thị trường sẽ kích hoạt dòng tiền mới và tâm lý nhà đầu tư cũng ổn định hơn" , ông Đặng Duy Việt nhận định.
Cũng đưa ra quan điểm, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDirect đánh giá số liệu CPI tháng 10 tại Mỹ tăng thấp hơn so với dự báo là một thông tin tích cực đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản rủi ro trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và chỉ số Dollar index hạ nhiệt. Điều này cũng được thể hiện thông qua động thái mua ròng mạnh của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch vừa qua và phần nào đỡ lại lực bán tháo, margin call của nhà đầu tư nội.
Nhìn về phía trong nước, tâm lý khối nội vẫn tương đối yếu trong bối cảnh một số doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn thanh khoản ngắn hạn. Do đó, sức ép bán ra từ khối nội vẫn tương đối lớn trong tuần tới, đặc biệt là trước và sau phiên đáo hạn phái sinh ngày thứ 5 (17/11).
Ông Hinh cho rằng chỉ số VN-Index sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ gần nhất là 940-950 điểm và dòng vốn ngoại sẽ là lực đỡ quan trọng cho thị trường trong tuần tới .
Do đó, nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá ở thời điểm hiện tại. Hiện P/E của VN-Index đã về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012, phản ánh tâm lý thị trường đang bi quan quá mức. Định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn đã rơi xuống mức 0,7-0,8 lần P/B.
Diễn biến VN-Index 3 tháng trở lại đây. Nguồn: TVSI |
Trong khi đó, bức tranh KQKD quý 3/2022 và dự báo quý 4 của các doanh nghiệp niêm yết lại không quá tệ như những diễn biến trên thị trường chứng khoán gần đây. Có thể thấy, nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối ổn định trong khi đa phần doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực (trừ một số nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng).
Do vậy, chuyên gia VNDirect kỳ vọng thị trường sẽ phân hóa lớn và có những dòng cổ phiếu tạo đáy trước. Do đó, nhà đầu tư cần thật sự bình tĩnh để soi xét và đánh giá khách quan về danh mục đầu tư của mình. Cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định và triển vọng kinh doanh tích cực trong những quý tới thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ chờ thị trường phục hồi.
Ông Đinh Quang Hinh cũng đánh giá thời điểm này rất phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt có thể mang về mức lợi nhuận rất hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới.
Tất nhiên, để đạt được mục tiêu đó thì nhà đầu tư cần chuẩn bị nguồn tiền đầu tư ổn định, không bị rút ra trước hạn cũng như hạn chế tối đa sử dụng tiền vay (đòn bẩy) để có thể chủ động trước mọi tình huống khó lường và giảm thiểu rủi ro.
BĐS thận trong, ngân hàng khó vượt trội
VN-Index giảm 12,7% trong tháng 10 sau những thông tin xử lý vi phạm của một doanh nghiệp bất động sản lớn. Thanh khoản trên cả ba sàn giảm 18% về mức 517 triệu USD, tính riêng trên HOSE giảm 16% về mức 477 triệu USD. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị 60 triệu USD trong tháng 10, tổng giá trị bán ròng 10 tháng ở mức 79 triệu USD.
Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital đánh giá tình trạng rút tiền tại các tổ chức tín dụng đã được kiểm soát, nhưng lo ngại trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu vẫn còn. Thanh khoản trên thị trường trái phiếu sụt giảm mạnh và chưa có dấu hiệu trở lại, trừ trường hợp tổ chức phát hành sử dụng nguồn tiền của chính công ty để mua lại trái phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BĐS và các cổ phiếu ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng khi đồng loạt giảm sâu. Nhà đầu tư đang lo ngại các tổ chức liên quan đến phát hành trái phiếu sẽ phải mua lại lượng trái phiếu này. Thêm vào đó, một số công ty chứng khoán đã giảm tỷ lệ cho vay ký quỹ đối với một số cổ phiếu bất động sản.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BĐS và các cổ phiếu ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng khi đồng loạt giảm sâu. |
Mặt khác, Dragon Capital nhận thấy tâm lý thị trường không tích cực hơn sau khi kết quả kinh doanh quý 3 được công bố. Lợi nhuận sau thuế top 80 chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ và giảm 9,4% so với quý 2. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào cao, lãi suất tăng và tiền đồng mất giá.
Ngành Ngân hàng tiếp tục công bố số liệu tích cực so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tăng 52%, song so với quý trước, lợi nhuận nhóm này giảm 4,1%. Nhóm Hàng hóa chịu tác động bởi biến động trên thị trường thế giới, lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu và lọc dầu sụt giảm, các công ty thép ghi nhận lỗ ròng. HPG là trường hợp điển hình, với mức lỗ kỷ lục 72 triệu USD trong quý 3. Kết quả này phản ánh chi phí đầu vào tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá USD, kết hợp với doanh thu sụt giảm do xuất khẩu yếu và thị trường BĐS chậm lại.
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang thắt chặt, Dragon Capital duy trì quan điểm thận trọng về ngành BĐS và dự báo triển vọng ngành ngân hàng khó vượt trội, qua đó kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn cho năm 2023.
Tuy triển vọng yếu đi, nhưng Dragon Capital cho rằng nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá. Định giá thị trường đang ở vùng rất hấp dẫn khi về gần mức thấp nhất 10 năm. Cụ thể, P/E thị trường ở mức 10,7 lần cho 12 tháng gần nhất và 7,9 lần cho năm 2023.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần phải theo dõi đà tăng lãi suất và những diễn biến xảy ra trên toàn cầu. Và quan trọng hơn hết, Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách nào để hỗ trợ lĩnh vực tài chính. Đây là những yếu tố quan trọng tác động tới những diễn biến của thị trường chứng khoán./.