Tuổi thơ nghèo khó
CEO Phạm Quang Anh |
Sinh ra tại vùng quê nghèo ở Nghệ An, từ nhỏ Phạm Quang Anh, CEO Công ty cổ phần quốc tế Dony - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực may mặc, tự nhận mình phát triển không bình thường so với trang lứa. Mắt cậu cận nặng, bị lé hay ngước lên trời và thường lẩm nhẩm một mình. Thân hình còi cọc, năm lớp 8 chỉ nặng 36 kg, nên ai cũng bảo “tương lai cậu bé này u ám”.
Quang Anh nhớ lại, tuổi thơ gắn liền những bữa cơm độn sắn. “Sáng đi học và đèo em trai đến trường mẫu giáo, rồi làm việc nhà, nấu cháo heo, nấu rượu… vì ba mẹ làm quần quật cả ngày ngoài đồng đến tối mịt. Thấy tôi cực quá, ba mẹ gửi sang nhà ngoại nuôi để việc học thuận lợi hơn”, Quang Anh nhớ lại.
Quang Anh ra thị trấn sống với ông bà ngoại, bố mẹ vào rừng lập nghiệp. Cứ vài ba tuần bố mẹ ra thăm, rồi lại về.
Cuộc sống bất ổn chưa dừng lại khi kinh tế gia đình Quang Anh sa sút, bố mẹ Quang Anh phải vào Bình Phước lập nghiệp. Một lần nữa, cậu bé “ốc tiêu” được gửi cho bà con. Đến năm lớp 6, Quang Anh mới được vào Nam đoàn tụ cùng gia đình.
Tuy gia cảnh nghèo gió nhưng Quang Anh học rất giỏi. Năm 2003, Quang Anh đỗ cao vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, ngành Công nghệ Sinh học. Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Quang Anh đi làm truyền thông cho một công ty. Quá trình tiếp xúc nhiều doanh nhân thành đạt, Quang Anh nhận ra, phần lớn doanh nhân thành đạt đều xuất phát từ hai bàn tay trắng.
Năm 2010, Quang Anh mở Công ty May mặc Duy Nguyễn chuyên làm quần áo đồng phục. Tuy nhiên, kinh doanh không hề thuận lợi và dễ dàng với một người trẻ và ít kinh nghiệm thương trường nên Anh phải làm thêm nhiều công việc khác để duy trì hoạt động, tiếp tục học cao học.
Dù ngưng việc thương trường nhưng nỗi nhớ kinh doanh lại trỗi dậy, năm 2013, Anh quyết định mở Công ty Dony. "Ngành may mặc là ngành đặc biệt yêu thích, bởi ba lý do: Đây là ngành hàng sử dụng nhiều nhân công nên tôi mong muốn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho mọi người, tạo môi trường thân thiện, cởi mở cho mọi người làm việc và phát huy khả năng của mình. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về ngành may mặc lớn. Đây là ngành thế mạnh của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới, hệ sinh thái khá hoàn thiện và may mặc có nhu cầu tăng theo thời gian", Quang Anh nói.
Công việc kinh doanh đang đi vào guồng, dịch bệnh bỗng dưng ập đến và ngay từ đầu mùa dịch, Dony cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều chịu ảnh hưởng. Cũng thời gian này, được sự gợi ý của người bạn thời đại học Đào Tấn Điền, Quang Anh chuyển sang may khẩu trang xuất khẩu. Quang Anh kể, 10 năm làm việc trong lĩnh vực y tế cộng đồng, hiểu rõ quy trình sản xuất khẩu trang vải 3 lớp kháng khuẩn, Tấn Điền nhận nhiều quảng cáo khẩu trang kháng khuẩn Nhật Bản với giá 30.000 đồng/chiếc và cảm thấy khó chịu vì thông tin sai sự thật nên gợi ý cho tôi chuyển hướng sản xuất, và nhanh chóng tôi bắt kịp nhu cầu khẩu trang tăng đột biến".
Khi bắt đầu sản xuất khẩu trang vải, công suất của Dony là 50.000 sản phẩm Dony Mask/ngày. Đến nay, nhu cầu tăng cao, Dony đã mở rộng quy mô sản xuất, nhà máy, liên kết đối tác gia công... công suất đạt 275.000 sản phẩm/ngày. Số đơn đặt hàng ngày càng lớn, số lượng hàng mỗi đơn tăng nhanh, nhiều thời điểm Dony buộc phải từ chối một số đơn đặt hàng gấp. Doanh thu đến nay đạt hàng triệu USD.
Thời gian đầu, đối tác biết đến Dony chủ yếu qua kênh nhà bán sỉ quốc tế, thông qua Internet, Alibaba,... Sau khi đặt hàng, các đối tác đã tin tưởng và đặt tiếp những đơn hàng lớn hơn gấp đến 30 lần đơn hàng đầu tiên. Đến nay, Dony chủ yếu phục vụ khách hàng thân thiết, gắn bó với mình từ những ngày đầu xuất khẩu .
Khoác ba lô ra nước ngoài tìm đơn hàng
Trong lúc khó khăn, anh một mình khoác ba lô đi tìm đơn hàng |
Đầu năm 2022, Dony vẫn còn ngồn ngộn đơn hàng, công nhân phải tăng ca hết công suất ngày đêm mới kịp tiến độ giao hàng như kế hoạch. Thế nhưng chừng giữa tháng 8, mặc cho nhiều hợp đồng đã ký trước đó, nhịp sản xuất của công ty bắt đầu thưa dần rồi trống trơn đơn hàng.
"Làm nghề cũng nhiều năm nhưng cuối tháng 8 vừa rồi là khoảng thời gian khiến tôi sốc nhất. Dẫu chuyện kinh doanh tăng giảm là bình thường song bỗng dưng giảm cái rụp về số 0, các hợp đồng đã ký kể cả với những thương hiệu lớn của thế giới cũng phải bỏ", anh Quang Anh tâm sự.
Trong lúc khó khăn, anh một mình khoác ba lô bay sang châu Âu, Trung Đông gặp đối tác để tìm đơn hàng mang về.
10 ngày cho hành trình gặp gỡ đối tác, tìm hiểu thị trường, rảo quanh các khu chợ vải tại chỗ để nắm thêm xu thế, kiểu mẫu, giá cả... Việc trở nên thân tình với các đối tác cũng dần mang lại hiệu quả khi ngay trong chuyến đi một vài đơn hàng đã được ký kết, cả những đơn đang bàn thêm.
Có đơn hàng, kế hoạch nghỉ Tết sớm một tháng như dự tính trước đó của Dony cũng đã hủy. Thay vì thưởng tượng trưng như tính toán, anh cho biết sẽ thưởng cho toàn bộ nhân viên công ty (khoảng 80 người) mỗi người một tháng lương. Sau Tết, Dony sẽ tuyển dụng thêm một số lao động mới để đảm bảo kịp tiến độ đơn hàng.
Mãi tới lúc gặp được một vài đối tác chuyên đảm nhận mua hàng cho nhiều công ty thời trang ở Mỹ và châu Âu, mấu chốt vấn đề dần lộ diện. Chính họ chỉ ra rằng chuỗi cung ứng ở ta đang có vấn đề mà mọi người ít khi sẻ chia cho nhau, hướng đến mục tiêu có thật nhiều đơn hàng.
Ngay khi về nước, việc đầu tiên của Quang Anh chính là gặp ngay các đối tác trong chuỗi cung ứng của mình từ vải, chỉ may, công nhân, nhóm gia công... để bàn một vấn đề: "Cùng nhau xây dựng một chuỗi cung ứng chia sẻ".