Toàn cảnh phiên thảo luận |
Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Việc sửa đổi Luật Thanh tra cũng là thực hiện nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với những quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề nghị nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Thanh tra cần: Bám sát các định hướng hoàn thiện pháp luật về thanh tra đã được đề ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV;
Đẩy mạnh phân quyền trên cơ sở phân định rành mạch và đề cao trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, tăng cường kiểm tra, giám sát; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm tra, kiểm toán; Việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra phải đặt trong tổng thể đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Luật Thanh tra và các luật khác có quy định về thanh tra.
Làm rõ cơ sở lý luận, bổ sung nội dung kiểm tra vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chỉ ra rằng, theo Tờ trình của Chính phủ, một trong các hạn chế cơ bản của pháp luật hiện hành là chưa phân biệt rõ giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. Pháp luật hiện hành chưa có định nghĩa pháp lý chung về kiểm tra mà hoạt động kiểm tra hiện nay được quy định ở một số văn bản chuyên ngành như Luật Trồng trọt (Điều 46), Luật Chăn nuôi (Điều 43), Luật Hải quan, Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi lần này vẫn chưa khắc phục tình trạng này, chưa xác định khái niệm về kiểm tra cũng như chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý của hoạt động kiểm tra. Điều 1 về phạm vi điều chỉnh không bao gồm hoạt động kiểm tra nhưng trong Dự thảo Luật lại có các quy định về kiểm tra như Điều 6, Điều 115 và tại các điều về thẩm quyền của Chánh thanh tra. Đại biểu cho rằng việc bỏ quy định hình thức thanh tra thường xuyên trong Dự thảo Luật chưa giải quyết được yêu cầu phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra nêu trên.
Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu |
Đại biểu phân tích thêm, Báo cáo số 276/BC-TTCP về tổng kết thi hành Luật Thanh tra 2010 đã nêu về hoạt động thanh tra hành chính và các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên báo cáo chưa làm rõ bao nhiêu cuộc là thanh tra chuyên ngành và bao nhiêu cuộc là kiểm tra chuyên ngành.
Theo Tài liệu tham khảo về Tổ chức và hoạt động của Thanh tra do Thư viện Quốc hội cung cấp tại Kỳ họp này thì có đến 90% các cuộc là kiểm tra còn thanh tra chỉ chiếm khoảng 10%. Như vậy, Dự thảo Luật mới chỉ bao phủ được một phần nhỏ hoạt động trong thực tiễn. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ về cơ sở lý luận, từ đó bổ sung nội dung kiểm tra vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và nếu cần thiết xem xét đổi tên Luật phù hợp như Luật Thanh tra, kiểm tra nhà nước. Đây là vấn đề quan trọng để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền: Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.
Đại biểu chỉ ra rằng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: "Cần phân biệt công việc kiểm tra là công việc thường xuyên của những người phụ trách. Công việc thanh tra với tính cách đứng trên mà xem xét công việc của một bộ phận” và “thường vì cơ quan, địa phương, bộ phận hay công việc nào có chỗ không đúng, chỗ sai lầm mà cần thanh tra". Theo đại biểu, quan điểm này cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong xây dựng Dự thảo Luật.
Đưa ra ý kiến liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Đình Văn- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ, dự thảo Luật cần quy định về thời hạn đôn đốc, kiểm tra. Việc thực hiện kết luận thanh tra cần có sự phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, cần nghiên cứu để khắc phục những bất cập về thời hạn thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đảm bảo linh hoạt, phù hợp với từng cấp thanh tra, từng kết luận thanh tra. Cần có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các bước đôn đốc, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra cụ thể, thống nhất từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm tra, ban hành quyết định tổ chức kiểm tra, xây dựng báo cáo trách nhiệm và sự phối hợp trong kiểm tra.
Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Trần Quốc Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Long An kiến nghị dự thảo Luật bổ sung thêm một chương quy định về công tác kiểm tra sau khi thanh tra, công tác hậu kiểm để theo dõi về quá trình thực thi kết luận thanh tra; bổ sung thêm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định về đoàn thanh tra liên ngành, mối quan hệ công tác, quy chế báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra liên ngành để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra liên ngành.
Cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu chỉ ra rằng, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung quy định Nhà nước có chính sách đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và các phương tiện khác để bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thanh tra; xây dựng chuẩn mực thanh tra để bảo đảm cho hoạt động thanh tra chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, các quy định này cần thiết kế cụ thể hơn, toàn diện hơn để khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.
Phát biểu về nội dung này, địa biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện rất tốt cho nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động thanh tra, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật lại chưa có nhiều quy định về vấn đề này. Cụ thể, tại Điều 112 về đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra mới chỉ quy định chung, mang tính nguyên tắc.
Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, nhất là đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành để bảo đảm minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, với đối tượng thanh tra. Đại biểu cung cấp thêm thông tin, từ nhiều năm nay, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện công tác thanh tra. Trong đó, có sử dụng cơ chế để doanh nghiệp tự kiểm tra và nộp phiếu qua internet. Trên cơ sở kết quả tự kiểm tra, doanh nghiệp được thông báo sai phạm của mình để tự khắc phục. Cơ quan thanh tra sẽ giám sát và tiến hành thanh tra nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc doanh nghiệp không tự khắc phục những sai phạm nhỏ. Đây là kinh nghiệm quý, cần được xem xét, đánh giá để luật hóa.
Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho ý kiến |
Nên tiếp tục duy trì mô hình Thanh tra cấp huyện
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương quan tâm về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính. Đại biểu nhất trí với quan điểm thứ nhất của cơ quan thẩm tra cho rằng việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra cấp huyện là cần thiết, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn và đánh giá tác động kỹ hơn. Vì trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 đưa ra những vướng mắc, bất cập, dẫn đến việc trong giai đoạn đầu của quá trình soạn thảo cơ quan chủ trì soạn thảo có đề xuất là không quy định tổ chức Thanh tra cấp huyện. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo thì một số ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mô hình này nên trong dự thảo hiện nay thì lại có mô hình tổ chức Thanh tra cấp huyện.
Tham gia thảo luận liên quan đến nội dung này, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ, về tổ chức của Thanh tra sở, Thanh tra huyện, Điều 30 và Điều 34 quy định Thanh tra sở, Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên là chưa phù hợp với thực tế. Vì hiện nay do biên chế không nhiều nên thường là Thanh tra sở, Thanh tra huyện bố trí biên chế thanh tra ít, không đảm bảo yêu cầu hoạt động của thanh tra. Do đó, để đảm bảo yêu cầu thanh tra thường phải thực hiện biệt phái công chức. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm và công chức thanh tra thành Thanh tra sở, Thanh tra huyện và Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức thanh tra.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến cụ thể về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; về các hình thức thanh tra; về mối quan hệ giữa Luật Thanh tra với các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều rất thiết thực, cụ thể, sâu sắc, rõ ràng, bao quát toàn diện các nội dung của Dự thảo Luật. Theo đó, các đại biểu cơ bản nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Dự thảo Luật này. Các đại biểu đã nêu thêm và phân tích sâu sắc, kỹ càng những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện để hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua./.