Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang |
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Dan Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu rõ, dự thảo Luật quy định 2 hình thức Nhân dân kiểm tra và 4 hình thức Nhân dân giám sát.
Theo đại biểu, mô hình Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát có đặc điểm riêng với chủ thể đối tượng trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý là khác nhau.
Tuy nhiên, dự thảo Luật còn quy định rất chung về trình tự, thủ tục nhân dân, kiểm tra nhân dân, giám sát theo hướng dẫn, chiếu trung sang các quy định có liên quan.
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát phù hợp với mỗi hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân; nhất là trình tự thủ tục Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát để làm cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn và cũng là cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, dự thảo Luật quy định hình thức Nhân dân giám sát thông qua hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Đại biểu đề nghị cần xem xét, cân nhắc nội dung này để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là ở phạm vi cơ sở.
Cho biết, chức năng kiểm tra và chức năng giám sát là 2 chức năng khác nhau với thẩm quyền, trình tự thủ tục, hệ quả pháp lý là khác nhau nhưng dự thảo Luật chưa có sự phân biệt cho hoạt động kiểm tra, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn các nội dung liên quan hoạt động kiểm tra, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân.
Về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần xem xét, bổ sung thêm các quy định cụ thể hơn để bảo đảm quá trình triển khai thực hiện được thống nhất, bảo đảm cân đối hài hòa.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai |
Theo đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, để đảm bảo và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ phương châm đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã đề ra, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chủ yếu mới, cụ thể hóa được nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định; còn nội dung dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng thì chưa được thể hiện rõ nét.
Đại biểu cũng chỉ rõ, việc phân biệt giữa dân kiểm tra và giám sát còn chưa có căn cứ chung, khó xác định để tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đã được nêu trong Hiến pháp. Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn các quy định về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, hiệu lực và các kiến nghị thực hiện sau kiểm tra, giám sát của người dân.
Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung cụ thể hóa cơ chế dân thụ hưởng tại một loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở bởi đây là điểm mới quan trọng của dự án Luật này, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ, cơ sở chế tài hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như việc lợi dụng thực hiện dân chủ để kích động, gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị và Nhân dân.
Cho rằng việc quy định về hình thức công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã được quy định tại Điều 10 đến 12 của dự thảo Luật chưa thực hiện đổi mới, chưa đầy đủ, chưa chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị nghiên cứu quy định một số hình thức công khai bắt buộc đang thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn để có cơ sở tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin của cơ quan đơn vị.
Đồng thời, đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến Nhân dân về các lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, quy định về cơ chế đảm bảo việc lấy ý kiến Nhân dân được tiến hành thực chất và hiệu quả hơn.