Về khái niệm thực hiện dân chủ ở cơ sở, GS.TS Lê Minh Tâm cho rằng, dân chủ là giá trị xã hội lớn, có tính phổ quát, là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích, chính kiến và quyền lực của mình tham gia vào các hoạt động của nhà nước và xã hội.
Dân chủ là yếu tố quan trọng để bảo đảm công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội, là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội… Tuy nhiên, về mặt lý luận, dân chủ là một khái niệm trừu tượng, một phạm trù có tính lịch sử.
Dân chủ không có mục đích tự thân. Giá trị, nội dung và những tác động cụ thể của dân chủ chỉ có thể được biểu hiện thông qua những nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động cụ thể do các chủ thể (nhà nước, tổ chức, cá nhân) tổ chức, thực hiện.
GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội |
“Vì thế, nhận thức đúng về dân chủ là cần thiết, nhưng chưa đủ. Để tiếp cận và phát huy giá trị của dân chủ, để dân chủ trở thành động lực và sức mạnh, thì vấn đề quan trọng hơn là phải thực hiện dân chủ, nghĩa là phải thực hành để hiện thực hoá dân chủ, đưa dân chủ vào thực tiễn đời sống, để dân chủ trở thành môi trường, điều kiện, phương cách sinh hoạt của đời sống xã hội, nhà nước và cá nhân”, GS.TS Lê Minh Tâm nhấn mạnh.
GS.TS Lê Minh Tâm cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn đề cao dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, và là người đặc biệt coi trọng thực hành dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là dân làm chủ; nhà nước ta là nhà nước dân chủ nên muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì “Nhà nước ta phải phát huy dân chủ đến cao độ” và “Thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.325).
Theo đó, để thực hiện dân chủ thì phải triển khai nhiều nội dung, trên nhiều phương diện, với sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó mỗi chủ thể có vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khác nhau.
Đối với nhân dân, việc tham gia vào thực hiện dân chủ trước hết là quyền của mỗi người dân. Quyền này có nội dung rất rộng như: quyền sử dụng lá phiếu để bầu ra những người đại diện mình vào các cơ quan, tổ chức của bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội; quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước (quyền phúc quyết hiến pháp và tham gia các cuộc trưng cầu dân ý); quyền tham gia vào các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật; quyền tham gia vào các các hoạt động giám sát, phản biện xã hội…
Bên cạnh những quyền đó, thì mỗi người cũng có những nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong thực hiện dân chủ. Đối với các cơ quan, cán bộ, người có chức vụ trong bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thì việc thực hiện dân chủ trước hết là trách nhiệm và nghĩa vụ: trách nhiệm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy dân chủ, trách nhiệm tổ chức các hoạt động để nhân dân thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích, chính kiến, quyết định của mình; trách nhiệm giải trình, tiếp thu, phản ánh những ý kiến, quyết định của nhân dân…. Đồng thời, các cơ quan, cán bộ, người có thẩm quyền cũng được trao những quyền hạn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ đó.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở phạm vi rộng nhất, gần và sát với dân nhất, với nhiều chủ thể và khách thể khác nhau, điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, tính chất, nội dung, hình thức và phương pháp thực hiện dân chủ cũng rất phong phú, đa dạng nhưng cũng rất phức tạp.
Từ những phân tích trên cho thấy, việc giải thích khái niệm thực hiện dân chủ ở cơ sở tại khoản 2 Điều 2 là chưa đầy đủ, GS. TS Lê Minh Tâm đề xuất, cần xác định: “Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở tham gia tích cực vào các công việc của Nhà nước và xã hội, chủ động thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích, chính kiến và quyền lực của mình trong việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định các vấn đề theo quy định của hiến pháp, pháp luật và giám sát, kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Về thuật ngữ cơ sở, GS.TS Lê Minh Tâm cho biết, cơ sở thường được hiểu theo mấy nghĩa chính là: (i) cơ sở là nền tảng (hạ tầng cơ sở; thực tiễn là cơ sở của nhận thức…); (ii) cơ sở là đơn vị ở cấp dưới cùng, của một hệ thống tổ chức, nơi trực tiếp thực hiện các hoạt động (sản xuất, công tác…); và (iii) là chỗ dựa (cơ sở cách mạng…).
Vận dụng những phân tích trên, có thể quan niệm cơ sở trong thực hiện dân chủ ở cơ sở là xã, phường, thị trấn, thôn, bản (mặc dù thôn không phải là cấp chính quyền nhưng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở nó có vai trò quan trọng và cần được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật này); cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều là cơ sở để thực hiện dân chủ. Đồng thời, tiêu chí “nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực viên chức, người lao động”, được giải thích trong khoản 1 Điều 2, cũng rất chung và khó phân định.
Vì vậy, cần thiết phải rà soát lại và dùng kỹ thuật liệt kê để chỉ rõ những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào theo quy định của luật này được hiểu là cơ sở thực hiện dân chủ ở cơ sở. GS. TS Lê Minh Tâm đề nghị viết là: “cơ sở theo quy định của Luật này được hiểu là:” sau đó liệt kê từng loại cơ quan tổ chức, doanh nghiệp được coi là cơ sở thực hiện dân chủ ở cơ sở để thuận tiện cho việc áp dụng trong thực tiễn.
Về các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo GS.TS Lê Minh Tâm một số nguyên tắc thực hiện dân chủ được ghi nhận trong Điều 3 của dự thảo Luật cần được rà soát chỉnh lý cho phù hợp.
Thiện dân chủ ở cơ sở trước hết là quyền của nhân dân, của người dân, vì vậy nguyên tắc đầu tiên phải là bảo đảm quyền của nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở với các nội dung cụ thể như: quyền được tiếp cận thông tin, quyền được chủ động nêu sáng kiến, tham gia các hoạt động thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích, chính kiến, quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người có nhiệm vụ, quyền hạn trong tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, GS.TS Lê Minh Tâm cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng, bởi vì cùng với việc xác định thực hiện dân chủ ở cơ sở trước hết là quyền của người dân, thì song hành với nó là phải nhấn mạnh tới trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả.
Có 5 yếu tổ để bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả là: thể chế, tổ chức bộ máy, năng lực của chủ thể, phương thức tổ chức, thực hiện dân chủ và môi trường điều kiện thuận lợi để thực hiện dân chủ.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thực hiện dân chủ có liên quan tới hầu hết các yếu tố này. Vì vậy, GS.TS Lê Minh Tâm kiến nghị Ban soạn thảo có thể thiết kế thành một điều trong phần Những quy định chung của dự thảo Luật hoặc chỉnh lý, ghi nhận thành một nguyên tắc thể hiện đầy đủ, rõ ràng hơn về vấn đề này để làm cơ sở cho việc xây dựng những quy định cụ thể trong các chương sau của dự thảo Luật./.