Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở |
Phát huy sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, về những nội dung Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng làm rõ những nội dung và hình thức để công dân, cán bộ, công chức, người lao động kiểm tra, giám sát. Theo đó, về nội dung kiểm tra, giám sát, dự thảo Luật phân định theo hướng công dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà Nhân dân đã bàn và quyết định; còn đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật nói chung thì người dân thực hiện quyền giám sát quy định tại các điều 30, 48 và 64 dự thảo Luật.
Về hình thức kiểm tra, giám sát, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng công dân kiểm tra, giám sát có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với công dân cùng sinh sống trên địa bàn, cùng làm việc, lao động tại cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động hoặc với người có thẩm quyền trên địa bàn, trong cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, công dân kiểm tra, giám sát có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua tiếp cận các thông tin được công khai, thông tin, báo cáo của chính quyền địa phương, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động, người có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung Nhân dân đã bàn và quyết định; tham dự hội nghị trao đổi, đối thoại giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động với công dân, hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân.
Cùng với đó, công dân còn thực hiện giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (như đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân), tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu rõ, với cách quy định như trên, hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng và trong thực hiện các mục tiêu khác của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, đơn vị nói chung.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Cụ thể hóa quyền kiểm tra, giám sát của người dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Về Ban Thanh tra nhân dân, trong quá trình nghiên cứu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật có liên quan thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng, việc chỉ quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở một số loại hình cơ sở nêu trên vô hình trung tạo ra sự phân biệt với người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập; khiến cho người lao động tại khu vực này thiếu cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình ở cơ sở.
Vì vậy, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề nghị quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở vì đây thực sự là một thiết chế bảo đảm để người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình tại cơ sở. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện từ sớm về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, qua đó góp phần bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại các Chương II, III và IV; chỉnh lý lại quy định về số lượng, tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân cho phù hợp với từng loại hình; quy định nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân ; bổ sung quy định về tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân và việc cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong nhiệm kỳ. Để tăng cường điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, dự thảo Luật quy định Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí hoạt động của Ban chấp hành Công đoàn tại cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.
Về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, qua tham khảo ý kiến của các địa phương và trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung quy định về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để bảo đảm tính toàn diện.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, mặc dù việc tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đang được quy định tại pháp luật về đầu tư công nhưng về bản chất đây lại là một trong nhiều cách thức để người dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thực tế cho thấy, một trong những thiết chế tự quản đang hoạt động khá hiệu quả trong việc bảo đảm quyền kiểm tra của Nhân dân tại cơ sở, đặc biệt là tại xã, phường, thị trấn. Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung một tiểu mục gồm 04 điều quy định về tổ chức, tiêu chuẩn thành viên, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để cụ thể hóa quyền kiểm tra, giám sát của người dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn./.