Xuất khẩu cà phê Robusta vào Nhật Bản tăng mạnh Xuất khẩu lô cà phê đầu tiên sang châu Âu theo hiệp định EVFTA Xuất khẩu cà phê tháng 8 giảm cả lượng và giá trị |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 9/2020 giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 2% về trị giá so với tháng 8/2020; tăng 8,3% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với tháng 9/2019.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,25 triệu tấn, trị giá 2,16 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 9/2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 1.880 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng 8/2020 và tăng 3% so với tháng 9/2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 1.725 USD/tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu cà phê 9 tháng giảm nhẹ do nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm (Ảnh minh họa) |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin thêm, trong tháng 9/2020, giá cà phê thế giới trên các sàn phái sinh biến động giảm. So với tháng 8/2020, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2020 thị trường London giảm 88 USD/tấn xuống còn 1.341 USD/tấn. Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica giao ngay tháng 12/2020 chứng kiến sự sụt giảm khi giao dịch ở mức 2.520 USD/tấn, mức giảm mạnh trong thời gian qua.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2020 xuất khẩu cà phê Robusta đạt 84,8 nghìn tấn, trị giá 130,78 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với tháng 8/2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 983 nghìn tấn, trị giá 1,46 tỷ USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường chính giảm so với cùng kỳ năm 2019, gồm: Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Bỉ, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Anh, Ấn Độ, Pháp; ngược lại xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường khác tăng, như: Đức, Ý, Nhật Bản, An-giê-ri, Phi-líp-pin, Hàn Quốc.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả, đặc biệt trong ngành hàng cà phê, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà nhập khẩu EU yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch; đồng thời đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sở chế bảo quản các sản phẩm cà phê.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần cà phê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.