Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), vải thiều Trung Quốc bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 4, kết thúc vào cuối tháng 8.
Hiện nay, vải thiều của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã bắt đầu có mặt trên thị trường trái cây của nước này từ đầu tháng 4/2020. Ngoài tỉnh Hải Nam, vải thiều tại các khu vực khác như Quảng Đông và Quảng Tây cũng đang dần xuất hiện trên thị trường.
Vải thiều Trung Quốc.
Điều đáng lo lắng, năm nay khoảng 70% lượng vải tươi chính vụ được thu hái từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với mùa vải thiều Việt Nam. Chưa kể, nhờ thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải thiều Trung Quốc dự báo sẽ ổn định trở lại, nguồn cung tăng.
Theo số liệu của Hiệp hội Vải thiều Quảng Đông, 99% vải tươi Trung Quốc bán trong nội địa, chỉ khoảng 1% là xuất khẩu. Trong đó, 65% được xuất khẩu từ Quảng Đông, 30% từ Hải Nam.
Giá vải thiều hiện tại khá cao, đang dao động khoảng 30 - 50 NDT/0,5 kg. Trong tháng 5/2020, vào vụ thu hoạch, nguồn cung vải thiều tăng, dự kiến giá giảm xuống còn khoảng 10 NDT/0,5 kg và giá có thể giảm xuống dưới 10 NDT/0,5 kg vào cuối tháng 5/2020.
Ngoài ra, nửa đầu 4/2020, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng chống dịch bệnh đối với lái xe từ Việt Nam sang giao nhận hàng hóa. Trung Quốc cũng điều chỉnh thời gian thông quan đối với hoạt động trao đổi cư dân biên giới, khiến nhiều xe hàng bị ách tắc tại cửa khẩu, trong đó chủ yếu là trái cây và nông sản.
Điều này ít nhiều sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Vào cuối tháng 4, khi đi kiểm tra tình hình sản xuất tại thủ phủ vải thiều Bắc Giang, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định, vụ vải năm nay sẽ chịu tác động bởi hai yếu tố: diễn biến thời tiết bất thuận có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm giá trị; dịch Covid-19 sẽ gây gián đoạn thị trường xuất khẩu.
Vải thiều Việt Nam gặp khó khi thị trường quả vải Trung Quốc thắng lớn.
Trên thực tế, không chỉ "xuất ngoại" sang thị trường truyền thống Trung Quốc gặp khó mà ở các thị trường khác cũng không dễ dàng bởi hiện nay dịch covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Chính vì vậy, mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu quả vải tươi xuất khẩu lần đầu tiên sang Nhật Bản.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã nhận được công hàm số 02/shouan/333 ngày 20/4/2020 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh Covid-19. Do vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngoài thị trường Trung Quốc, những năm gần đây, quả vải thiều Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường như Lào, Campuchia, Thái Lan,... đồng thời, cũng chen chân vào được các thị trường khó tính khác như Mỹ, EU, Úc và Nhật Bản.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được hơn 100.000 tấn vải thiều tươi. Đáng chú ý, lượng vải thiều xuất sang những thị trường khó tính ngày càng tăng mạnh.
Hạ Vy