Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7/2020, tổng đàn lợn cả nước giảm 3,0% so với cùng kỳ năm 2019 (trong khi đàn gia cầm tăng 5,5%; đàn bò tăng 3,0%).
Từ đầu năm đến nay nhập khẩu khoảng 92.000 tấn thịt lợn
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đến thời điểm này, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ còn xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai...
Cục Thú y đang tích cực phối hợp với các địa phương nhằm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và các chuỗi sản xuất một số sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong, tổ yến để đẩy mạnh xuất khẩu.
Về nhập khẩu thịt lợn, Cục Thú y cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 130 doanh nghiệp triển khai nhập khẩu với số lượng khoảng trên 92.000 tấn thịt lợn, cùng 27 lần doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn giống, với số lượng đăng ký 293 nghìn con, trong đó đã có 15 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 15.300 lợn giống về nước, tăng hơn 6 lần so với năm 2019.
Đối với việc nhập khẩu lợn sống (lợn thịt) từ Thái Lan, đã có 36 lần doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu, với số lượng trên 4,7 triệu con, trong đó đến nay có 13 doanh nghiệp triển khai nhập khẩu với số lượng trên 60.000 con (tính đến ngày 26/7).
Hiện tại, số lượng lợn thịt nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam đang trung bình duy trì khoảng từ 2.000 - 3.000 con/ngày và đang tiếp tục tăng lên.
Thời gian tới, tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn và lợn sống để kiểm soát giá thịt lợn trong nước
Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 251/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 01/07/2020.
Theo đó, để kiểm soát tình hình giá thịt lợn trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện ngay các giải pháp sau để đảm bảo nguồn cung, kiểm soát tốt chi phí từng khâu và có giải pháp giảm giá thịt lợn:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn, tăng đàn, đưa ra số liệu cụ thể về lượng thịt lợn dự kiến cho từng tháng, quý để chủ động có phương án cân đối cung cầu phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn và lợn sống theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được lợn về giết thịt ngay và nuôi lợn thịt từ các nước lân cận để giảm ngay áp lực cho nguồn cung.
Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tốt công tác tái đàn an toàn kết hợp với việc tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng, an toàn sinh học nhằm tránh dịch bệnh tái phát; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát, giám sát chặt chẽ công tác nhập khẩu lợn sống phòng chống nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh và hành vi gian lận thương mại.
Bộ Công Thương đảm bảo tốt khâu lưu thông; chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng và triển khai chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới Lào và Campuchia; chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng liên quan thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hệ thống kiểm soát khâu trung gian: kênh phân phối, cung ứng từ lò mổ đến các đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương chủ động thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để ổn định giá thịt lợn tại địa phương trong thời gian tới.
Mai Quỳnh