Công an Hà Nội chốt phương án cấp giấy đi đường Hà Nội dự kiến cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng |
![]() |
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội kịp thời điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường |
Để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội theo Công điện số 1099/CĐ-TTg và Công điện số 1102/CĐ-TTg, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TPHCM về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.
Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.
Trước đó, từ 6h sáng 6/9, Hà Nội chính thức áp dụng Chỉ thị 20 khi phân chia toàn thành phố thành 3 Vùng, đặt mục tiêu sớm khống chế được dịch Covid-19 và dần dần khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong sáng cùng ngày, mặc dù mới dừng lại ở việc kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định mới như cập nhật giấy đi đường có mã QR,… nhưng tại một số chốt bảo vệ Vùng 1 (vùng đỏ) đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn kéo dài.
![]() |
Phương tiện dồn ứ ở chốt kiểm soát trên đường Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) thời điểm sáng 6/9 |
Nhiều người dân bày tỏ bức xúc khi phải chịu đựng những phiền toái gây ra từ việc thay đổi của TP Hà Nội. Đặc biệt là việc kiểm soát này gây ra tắc đường, tạo ra nguy cơ lây lan dịch rất lớn khi tập trung đông người trong thời gian giãn cách.
Chiều 7/9, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô trong tình hình mới, để kiểm soát, tầm soát y tế: Vừa bảo đảm tiếp tục thực hiện triệt để biện pháp giãn cách xã hội ở “vùng đỏ”, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, chăm lo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội ở “vùng cam” và “vùng xanh”.
Để việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1, Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.
TP Hà Nội chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Các địa phương phải tổ chức kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng nhân dân, tuần tra kiểm soát của các tổ lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường; lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc.