![]() |
Toàn cảnh Phiên họp |
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động sẽ tác động đến các hoạt động khác thay đổi theo. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trường kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách Nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng |
Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Kinh phí dự kiến bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua chủ yếu gồm: Các nguồn kinh phí thực hiện hoạt động nằm trong nguồn ngân sách hằng năm dành cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và nguồn kinh phí huy động từ sự đóng góp, đầu tư từ xã hội cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của Nghị quyết, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; có ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh; có ý kiến đề nghị tập trung 3 nhóm chính sách: cơ chế quỹ, thương mại hóa và đầu tư mạo hiểm.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trực tiếp liên quan đến nhà khoa học; bổ sung quy định huy động, sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, ngoài khu vực công; bổ sung quy định áp dụng cơ chế tự chủ (Điều 4) và cơ chế thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả khoa học (Điều 5) đối với trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) công lập.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa tên gọi của Nghị quyết để thể hiện cơ chế, chính sách có tính chất đột phá, đặc thù, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST & chuyển đổi số quốc gia (CĐSQG), bám sát tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Quốc hội đã tiến hảnh thảo luận tổ nội dung này.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu |
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được triển khai quyết liệt. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nỗ lực trong thời gian ngắn để xây dựng nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Khẳng định muốn phát triển nhanh, bền vững thì cần phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trước hết cần tháo gỡ về mặt thể chế để giải quyết trước mắt một số khó khăn, vướng mắc để Nghị quyết 57-NQ/TW đi ngay vào cuộc sống. Tiếp đến, cần tiến hành sửa một loạt luật liên quan ngân sách, thuế, doanh nghiệp, khoa học công nghệ…trong năm nay và năm sau.
Nhất trí với ý kiến đại biểu góp ý các chính sách thiết kế cần cụ thể và rõ hơn nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần bổ sung 5 cơ chế đặc biệt, đi kèm với đó là có công cụ đặc biệt để kiểm soát nhằm tránh vi phạm, tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Thứ nhất, phải có cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì hạ tầng này hiện còn rất yếu. Nguồn lực cần rất lớn nên phải có cơ chế huy động nguồn từ hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, xã hội và người dân.
Thứ hai, cần cơ chế đặc biệt cho quản lý. Vì đầu tư công quản lý tư như Nhà nước đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ nhưng giao tư nhân quản lý. Hay lãnh đạo công, quản trị tư là thiết kế chính sách, pháp luật, công cụ giám sát kiểm tra, còn quản trị giao cho doanh nghiệp…
Thứ ba là cơ chế đặc biệt cho nhà khoa học và công trình khoa học thương mại hóa được. Có thể phân cấp, phân quyền có thể đến các tỉnh, thành phố, bộ ngành, thậm chí tới các chủ thể có liên quan. Xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính mà quản lý hiệu quả tổng thể.
![]() |
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ |
Thứ tư, dự thảo mới đề cập miễn trừ trách nhiệm cho người soạn thảo chính sách, nhưng khâu thực hiện mới là khó, là yếu. Do đó, nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại dẫn đến sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không muốn làm. Phải thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho người thực hiện chứ không chỉ với người thiết kế chính sách, như thế mới toàn diện – theo người đứng đầu Chính phủ.
Thứ năm, theo Thủ tướng, phải có cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực. Như thu hút nhân lực để phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài về Việt Nam, vào Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, bằng chính sách thuế, phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động… Nếu không thì một nhà khoa học muốn vào mà cứ chờ visa mãi.
“Chúng tôi cần nghiên cứu bổ sung, mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ cho. Còn đương nhiên phải thiết kế công cụ đặc biệt để quản lý để không xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; nâng cao được hiệu quả”, Thủ tướng bày tỏ.
Vẫn theo Thủ tướng, quá trình thực hiện để tạo đột phá về khoa học công nghệ thì phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, thậm chí phải trả giá nhưng quan điểm coi đó là học phí, để rồi giải quyết.
“Loại trừ động cơ cá nhân, còn rủi ro mất mát do khách quan, người thực hiện vô tư trong sáng vì sự phát triển khoa học công nghệ, vì sự phát triển của đất nước thì phải chấp nhận, coi đó như học phí để có thêm kinh nghiệm, bài học, bản lĩnh và trí tuệ để làm tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.