Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam - Ảnh: VGP |
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến Hà Nội tối qua và sẽ có lịch trình một loạt hoạt động trong hôm nay.
Đón Thủ tướng Hà Lan từ nơi xe dừng cuối thảm đỏ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay, chào đón nhà lãnh đạo Hà Lan trở lại thăm Việt Nam lần thứ ba (sau chuyến thăm tháng 6-2014 và tháng 4-2019).
Hai người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Hà Lan sau đó cùng bước trên thảm đỏ trong tiếng quân nhạc chào mừng, cùng tiến về bục nghi lễ. Dọc hai bên thảm đỏ, các em thiếu nhi thủ đô Hà Nội vẫy quốc kỳ hai nước, vui mừng khi hai lãnh đạo đi qua.
Sau lễ đón chính thức, hai nhà lãnh đạo cùng đi bộ về trụ sở Văn phòng Chính phủ để hội đàm.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam ngày 1-2/11 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tháp tùng Thủ tướng Rutte là đoàn doanh nghiệp gồm 23 công ty và tổ chức trong lĩnh vực công nghệ cao và số hóa. Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar nói rằng trọng tâm chính trong chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển đổi số.
Ông Rutte từng thăm chính thức Việt Nam vào tháng 6/2014 và 4/2019, nhiều lần đón lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Hà Lan. Ông đã khẳng định "Hà Lan là người bạn châu Âu của Việt Nam". Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Hà Lan hồi tháng 12/2022.
Các cháu thiếu nhi nhiệt liệt chào đón và tặng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bó hoa tươi thắm - Ảnh: VGP |
Chiều 2/11, hai Thủ tướng cùng dự hai sự kiện kết nối doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh.
Thủ tướng Mark Rutte sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ cao do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung.
Cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu - ông Valdis Dombrovskis, Thủ tướng Mark Rutte sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) 2023 do EuroCham Việt Nam tổ chức.
Các chủ đề sẽ được thảo luận tại diễn đàn bao gồm tài chính xanh, giảm thiểu cacbon, chuyển đổi năng lượng xanh và nông nghiệp bền vững.
Nhà lãnh đạo Hà Lan sẽ kết thúc chuyến thăm cùng ngày 2/11, song phái đoàn doanh nghiệp Hà Lan sẽ tiếp tục có các hoạt động tại TP.HCM vào ngày 3/11.
Theo Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, bên cạnh các hoạt động kết nối doanh nghiệp ở Hà Nội và TP.HCM, các công ty sẽ có các chuyến thực địa và gặp gỡ đối tác kinh doanh tại cả hai thành phố nhằm tăng cường hiểu biết về thị trường và môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước năm 2010, Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực năm 2014 và Đối tác toàn diện năm 2019.
Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Hà Lan có khoảng 400 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn 13,5 tỷ USD.
Việt Nam có các hợp đồng đóng tàu quân sự với tập đoàn Damen và những khóa đào tạo gìn giữ hòa bình tại Hà Lan. Hợp tác hàng hải gồm đóng tàu tìm kiếm cứu nạn, hợp tác đào tạo, nghiên cứu về cảng biển.
Theo Cục Thống kê Hà Lan, cộng đồng người Việt Nam năm 2020 ở nước này có khoảng hơn 20.000 người. Mỗi năm có khoảng 400 học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang du học, nghiên cứu tại Hà Lan, đa phần là tự túc.
Chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.