Nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 25/1/2021 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp mắc trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố. Ngày 8/2 đã ghi nhận 5 trường hợp mắc mới, tại Hà Nội (2), Quảng Ninh (3) đều có liên quan đến ổ dịch tại Công ty POYUN (Chí Linh, Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh); 28 trường hợp mắc tại TP. HCM liên quan ổ dịch phát hiện tại khu bốc dỡ hàng hóa, sân bay Tân Sơn Nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch bệnh trong cả nước tại cuộc họp chiều ngày 8/2. Ảnh: VGP |
Đáng chú ý, đối với ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ 7.300 nhân viên sân bay và đã phát hiện BN1979 đầu tiên và 4 trường hợp dương tính (2002-2005) được ghi nhận sáng 8/2; tiếp tục điều tra mở rộng các trường hợp tiếp xúc gần và xác định nguồn lây nhiễm, đã ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính mới, nhiều khả năng đã lây lan trong cộng đồng từ trước.
Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM khi vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đáng ngại là ổ dịch phát hiện tại khu vực bốc dỡ hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất chưa rõ nguồn lây.
Trước diễn biến dịch khá phức tạp tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị, TP. HCM cần xác định các khu vực nguy cơ lây lan dịch bệnh cao để áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người (Chỉ thị 15) hoặc giãn cách xã hội (Chỉ thị 16) theo phạm vi phù hợp. Đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại TP. HCM đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị thành lập bộ phận thường trực Bộ Y tế tại TP. HCM để chống dịch.
Được áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương ngành y tế, lực lượng chức năng, các địa phương đã kịp thời áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ, tổng lực, quyết liệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng với các biện pháp sáng tạo, đồng bộ. Các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, việc xuất hiện các ca mới ở TP. HCM là nghiêm trọng mà theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu xét nghiệm diện rộng thì số ca tại thành phố này sẽ tăng trong những ngày tới.
Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải bình tĩnh, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền Thành phố cần vào cuộc quyết liệt, đặc biệt vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP |
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phải đeo khẩu trang và lưu ý vận động mọi người hạn chế số người tham dự ở lễ hội, tiệc ăn mừng, đám cưới.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo xét nghiệm diện rộng ở khu vực dễ lây nhiễm như sân bay. Các địa phương cùng ngành y tế tham mưu đề xuất nguồn lực, kể cả vật tư y tế, lương thực, thực phẩm để đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai… tiếp tục thực hiện theo giải pháp chống dịch Ban Chỉ đạo quốc gia đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chủ tịch UBND TP. HCM, Hà Nội và các thành phố lớn cũng như các tỉnh đang có ổ dịch được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, ví dụ như giãn cách xã hội ở một số khu phố, quận, địa bàn có ca lây nhiễm…
Một số địa phương trọng điểm, nhất là các thành phố, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra. Riêng TP HCM và Hà Nội cần có cách làm phù hợp như thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, giãn cách xã hội ở một số khu vực cần thiết. Người đứng đầu Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc giãn cách xã hội ở một số khu phố, một số quận, một số địa bàn có ca lây nhiễm.
“Tình hình nghiêm trọng nhưng chúng ta bình tĩnh, cương quyết, kịp thời, nhất định chúng ta sẽ thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh, lưu ý tuyệt đối không được chủ quan. TP. HCM và Hà Nội phải có biện pháp rất mạnh để xử lý kịp thời tình hình này.
Về vấn đề vắc xin ngừa Covid-19, Thủ tướng đồng ý chủ trương Bộ Y tế mua vắc xin của Tập đoàn AstraZeneca để người dân được tiếp cận ngay trong quý I/2021, bảo đảm phù hợp với các điều kiện của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vắc xin, đối tượng cần tiêm chủng do ngân sách nhà nước chi trả, trong đó đồng ý phương thức xã hội hóa một cách cụ thể. Các kiến nghị khác, Bộ Y tế chuẩn bị kỹ, báo cáo lại Thường trực Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chạy đua với thời gian để người dân đón Tết an toàn |
"Thần tốc với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngay khi các ổ dịch được phát hiện" |