EU là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của rau quả Việt Nam. |
9 loại rau quả Việt bị EU cảnh báo
Thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo từ hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF - Rapid Alert System for Food and Feed) của EU, trong đó có 40 cảnh báo đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam (chiếm 1,77% cảnh báo).
Riêng mặt hàng rau quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam.
Kết quả tổng hợp cho thấy các cảnh báo tập trung vào vi phạm dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, chỉ có 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin... trong quá trình sơ chế, chế biến.
Đơn cử, tại Hà Lan, quả chôm chôm nhập khẩu bị dư lượng thuốc trừ sâu chlorpyrifos ở mức 0.022 mg/kg, mức dư lượng tối đa cho phép 0.01 mg/kg buộc phải tiêu hủy.
Ớt đỏ đông lạnh nhập khẩu Hà Lan dư lượng cadmium ở mức 0,28 mg/kg, thuốc trừ sâu chlorpyrifos ở mức 0,14 mg/kg, chlorfenapyr ở mức 0,23 mg/kg, chất cấm permethrin ở mức 0,22 mg/kg.
Cộng hòa Síp cũng tiêu hủy một sản phẩm tương ớt do chứa chất cấm E 110 - Sunset Yellow FCF và E124 - Ponceau 4R/cochineal red A. Nhà xuất khẩu sản phẩm này là Công ty TNHH Thực phẩm Đa Ta (phường 15, quận Tân Bình, TP HCM).
Tại Hà Lan, quả chôm chôm nhập khẩu bị dư lượng thuốc trừ sâu. (Ảnh minh họa) |
Quả thanh long tiêu hủy tại Pháp do dư lượng Dithiocarbamates ở mức 0,16+-0,080 mg/kg, mức độ tối đa cho phép 0,05 mg/kg. Tại Italy có vải thiều dư lượng permethrin ở mức 1,14+-0,057 mg/kg, mức độ tối đa cho phép 0,05 mg/kg; hạt điều mối nguy với Aflatoxin ở mức 9,6 ± 2,7 µg/kg, mức độ tối đa cho phép 4,0 µg/kg.
EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô, theo Văn phòng SPS.
Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) - WTO, Văn phòng SPS Việt Nam đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản.
EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô. |
Tháng 6/2022, EU thông báo ban hành Quy định (EU) 2022/913 ngày 30/5/2022 sửa đổi Quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU có hiệu lực từ 3/7/2022. Theo quy định này, có một số sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Đối với thanh long Việt Nam, EU tiếp tục duy trì trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục 2, Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793, giữ tần suất kiểm tra 20%.
Đối với một số nông sản khác, EU giữ tần suất kiểm tra 50% đối với: mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà, đậu bắp và ớt.
Muốn nắm cơ hội phải tuân thủ luật chơi
Tiến sĩ Arjen Roem, Phó Chủ tịch Bộ phận kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham cho biết, năm 2021, Việt Nam là đối tác lớn thứ 31 cho hàng hóa xuất khẩu vào EU và là đối tác lớn thứ 11 cho hàng hóa nhập khẩu của EU.
Năm 2021, xuất khẩu Việt Nam sang EU lên đến 46 tỷ USD, tăng 14%. “Với đà tăng trưởng này, Châu Âu hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm 14% tổng doanh thu xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính”, Tiến sĩ Arjen Roem thông tin.
năm 2021, Việt Nam là đối tác lớn thứ 31 cho hàng hóa xuất khẩu vào EU. |
Những mặt hàng nông sản hàng đầu nhập khẩu từ Việt Nam là trái cây nhiệt đới, các loại hạt, gia vị tươi và khô trị giá 869 triệu ERU (39%); cà phê chưa rang, trà là 868 triệu EUR (38%); các sản phẩm nông sản còn lại là cà phê, trà, gạo, mỳ, bánh gọt, bánh quy. Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang EU năm 2021 đạt 14 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020
Quý 1/2022, Việt Nam xuất hơn 22.500 tấn (18 triệu USD) gạo sang EU, tăng 4 lần về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tới EU tăng từ 20% trong quý I/2021 đến 28% trong quý I/2022.
Đối với ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL, Tiến sĩ Arjen Roem cho rằng, tín hiệu lạc quan là sau hai năm liên tục sụt giảm, xuất khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam sang EU đã tăng gần 70% trong hai tháng đầu năm 2022, đạt tổng cộng 190 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 đạt 155 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiến sĩ Arjen Roem cũng lưu ý, một trong những thách thức chính đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam tới EU là các yêu cầu nghiêm ngặt của EU. Bởi, nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ quả, gạo và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn chưa đạt đến mức số lượng cần thiết cho các đơn đặt hàng lớn của các siêu thị tại EU. Nhu cầu của EU ngày càng tăng, số lượng rau củ quả đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu đến thị trường này vẫn còn bị giới hạn.
Một trong những thách thức chính đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam tới EU là các yêu cầu nghiêm ngặt của EU. |
Thời gian qua, EU liên tục cập nhập và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu bao gồm thức ăn và các sản phẩm thực vật. Đồng thời, tăng cường áp dụng các tiêu chí mới về chứng nhận liên quan tới bảo vệ môi trường và pháp triển bền vững, có trách nhiệm với xã hội.
“Mục tiêu của các quy định này nhằm đảm bảo sức khỏe và tiêu chuẩn chất lượng trên khắp thị trường EU. Do những tiêu chuẩn cao này, việc gia nhập thị trường EU của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức”, Tiến sĩ Arjen Roem nhận định.
Tiến sĩ Arjen Roem cũng cho rằng, để Việt Nam khôi phục vị thế và uy tín quốc tế của mình đối với xuất khẩu nông sản và thủy sản, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn trong việc cung cấp những chứng nhận rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác. Làm được điều này, rau củ quả Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường EU.