Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Nasaco Hà Nam bị xử phạt do sản xuất sai chỉ tiêu chất lượng Thức ăn chăn nuôi có những loại nào? Tự chế biến thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất |
Ngành chăn nuôi trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của từng địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng dần từng bước chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang quy mô sản xuất hàng hóa theo hình thức trang trại, gia trại tập trung với số lượng lớn, an toàn dịch bệnh.
Theo Tổng cục Thống kê, số trang trại phân theo địa phương chia theo Tỉnh, thành phố và năm 2021 cả nước có 23.771 trang trại.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt 88,2 (nghìn tấn), thịt bò 348,9 (nghìn tấn), thịt lợn 3.232,7 (nghìn tấn), thịt gia cầm 1.467,1 (nghìn tấn).
Ngành chăn nuôi ngày càng phát triển |
Song hành cùng sự phát triển của ngành chăn nuôi thì các mặt hàng “ăn theo” như thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi công nghiệp… cũng không thể thiếu trong quá trình phát triển của vật nuôi.
Hiện nay, nhiều doạnh nghiệp đang phải đối mặt với kinh tế khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào cũng trở nên khan hiến. Nhiều doanh nghiệp đã “bất chấp” các quy định, tiết giảm nguyên liệu cho việc sản xuất đã khiến các sản phẩm bị sai chỉ tiêu chất lượng.
Khi người chăn nuôi vô tình sử dụng các sản phẩm này sẽ dẫn đến việc vật nuôi kém sinh trưởng, sinh sản và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo...bị ảnh hưởng.
Mới đây, ngày 7/11/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam thông báo về việc đã ra quyết định xử phạt với 4 công ty (Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Nasaco Hà Nam…) đã vi phạm trong việc sản xuất thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức tối thiểu từ 2% đến dưới 5% so với tiêu chuẩn ghi trên nhãn hàng hoá và sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn ghi trên nhãn hàng hoá.
Trước đó, ngày 30/8/2022, Đoàn thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 71 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thuốc thú y thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi các loại, đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm.
Tiến hành bốc 50 mẫu (29 mẫu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản; 21 mẫu thuốc thú y) để thử nghiệm chất lượng tại các Trung tâm ở TPHCM được Bộ NN&PTNT chỉ định cho kết quả như sau: Trong 29 mẫu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản có 7 mẫu không đạt (tỉ lệ 24,1%). Trong đó: 4 mẫu giả về chất lượng, 3 mẫu có chất lượng không phù hợp. Trong 21 mẫu thuốc thú y có 9 mẫu không đạt (tỉ lệ 42,86%). Trong đó: 6 mẫu giả, 3 mẫu có chất lượng không phù hợp.
Khâu vận chuyển thức ăn chăn nuôi trong nhà máy sản xuất |
Trả lời với báo chí, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến, thực tế cho thấy, việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi còn bất cập, khó thực hiện và chi phí lấy mẫu xét nghiệm quá cao nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Năm 2021, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra 39 cơ sở sản xuất, buôn bán nguyên liệu, phụ gia thức ăn chăn nuôi và đã xử phạt 2 cơ sở với số tiền 98 triệu đồng do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao đổi với báo chí, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tổ chức thanh tra theo kế hoạch kết hợp thanh tra đột xuất về việc chấp hành các quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường các giải pháp kiểm soát chất cấm, kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cũng như việc thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt), chứng nhận hữu cơ…
Mặt khác, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần kiểm soát chặt chẽ việc ủy quyền của các đơn vị để giám sát chất lượng nguyên liệu sản xuất cũng như thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn thực phẩm thức ăn chăn nuôi trên thị trường, qua đó xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực này.
Ngoài việc, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vi phạm bị xử phạt theo Điều 16 Nghị định 14/2021/NĐ-CP. Các doanh nghiệp này còn phải tuân thủ thêm một số biện pháp theo Điều 20 Nghị định 13/2020/NĐ-CP.
Điều 20 Nghị định 13/2020/NĐ-CP thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị xử lý bằng một hoặc một số biện pháp sau đây: (1) Buộc tái xuất: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái xuất phải thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định của pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và nộp hồ sơ tái xuất về cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; (2) Buộc tiêu hủy: - Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tiêu hủy phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm. - Nội dung hợp đồng phải nêu rõ biện pháp tiêu hủy để cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi giám sát; (3) Buộc tái chế: - Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái chế phải thực hiện tái chế sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm sản phẩm sau khi tái chế có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; - Báo cáo phương án và kết quả tái chế cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết; (4) Buộc chuyển mục đích sử dụng: - Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp chuyển đổi mục đích sử dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật; - Báo cáo phương án và kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết; (5) Buộc cải chính thông tin: Tổ chức, cá nhân có thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp cải chính thông tin phải thực hiện cải chính thông tin sản phẩm theo kết quả kiểm tra thực tế trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường hoặc trước khi sử dụng. |