Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu |
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) để giải quyết các bất cập trong thực tiễn, hoàn thiện các chính sách phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, có những nội dung sửa đổi chưa đáp ứng được yêu cầu như quy định về thuế suất, giá tính thuế, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng; đối với bất động sản, nội dung sửa đổi chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật và chỉ bổ sung nội dung giao Chính phủ/Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết, để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các nội dung đang quy định tại các văn bản dưới Luật. Do đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện để bảo đảm nhất quán giữa nội dung thể hiện trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự án Luật với nội dung thể hiện trong dự thảo Luật.
Nghiên cứu quy định mức thuế suất phù hợp cho từng mặt hàng
Quan tâm đến các quy định về thuế suất, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ rõ, tại khoản 5 Điều 9 quy định: “Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, dược liệu thì áp dụng thuế suất giá trị gia tăng theo mức thuế suất quy định cho sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản”. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa rõ nghĩa, sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau, trùng lắp với sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường với mức thuế suất 5% tại điểm d khoản 2.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh khoản 5 thành “Thức ăn chăn nuôi, dược liệu được sản xuất, chế biến từ sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì áp dụng thuế suất giá trị gia tăng theo mức thuế suất quy định cho sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản.” Quy định như vậy để thống nhất trong cách hiểu là thức ăn chăn nuôi, dược liệu được sản xuất, chế biến từ sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5%; sản xuất chế biến từ các sản phẩm khác áp dụng thuế suất 10%.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia ý kiến |
Cùng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phân tích, đối với sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Dự thảo Luật thì các mặt hàng này chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, để xác định được là chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường là rất khó vì trong luật không định nghĩa đối với hai hình thức này.
Theo đại biểu, một số người nộp thuế cũng lợi dụng phần chưa quy định rõ của nội dung này để lách luật, nhằm tránh thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, cần quy định các sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại để làm cơ sở áp dụng. Hiện nay một số địa phương có rất nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng nông sản (tiêu, ca cao…), chỉ cần sấy khô, phơi khô là có thể đưa vào sử dụng ngay. Do đó, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu quy định mức thuế suất đối với các mặt hàng này cho phù hợp.
Quy định rõ để khắc phục tình trạng hoàn thuế diễn ra chậm, kéo dài nhiều năm
Toàn cảnh phiên họp |
Đóng góp ý kiến hoàn thiện quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng cho biết, khoản 4 Điều 15 quy định: “Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi giải thể, phá sản, có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết”. Theo đại biểu, đối tượng quy định trong dự thảo Luật thu hẹp đáng kể so với Luật hiện hành (loại ra khỏi diện được hoàn thuế các đối tượng là cơ sở kinh doanh chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chấm dứt hoạt động). Tại văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp đã đề nghị Ban soạn thảo có giải trình rõ và đánh giá thêm tác động, lấy ý kiến tham gia của các doanh nghiệp về vấn đề này, nhưng tại dự thảo và Tờ trình Luật chưa thấy Ban soạn thảo làm rõ và giải trình cụ thể. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục bổ sung, làm rõ nội dung này.
Đại biểu cũng nêu rõ, điểm a Khoản 10 Điều 15 quy định: “Người nộp thuế thuộc trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào đáp ứng đầy đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định tại Điều này và tuân thủ các quy định về khai thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với từng trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng và gửi đến cơ quan thuế có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu |
Đại biểu nhận định, với quy định như trên thì việc hoàn thuế cho các đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 15 rất khó thực hiện, đặc biệt với đối tượng là khách du lịch ngắn ngày là người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài, khi họ mua sắm hàng hoá tại Việt Nam trong thời gian đi tham quan, du lịch và sau đó có thể di chuyển ngay ra sân bay, bến tàu, cửa khẩu để về nước, không thể có đủ thời gian để “gửi hồ sơ hoàn thuế đến cơ quan thuế có thẩm quyền” và chờ được giải quyết. Thực tế ở nhiều quốc gia, họ tổ chức văn phòng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hoàn thuế ngay tại phòng chờ sân bay, bến cảng quốc tế với các thủ tục rất nhanh gọn, thuận lợi; các hồ sơ hoàn thuế được hỗ trợ thiết lập ngay tại các cơ sở kinh doanh nội địa cho khách du lịch ngay sau khi khách mua sắm hàng hoá. Do vậy, đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định cụ thể trong Luật.
Đánh giá nội dung Điều 15 trong dự thảo Luật quy định rất chi tiết về các đối tượng được hoàn thuế, điều kiện và thời gian hoàn thuế, đại biểu phân tích, trong thực tiễn, có nhiều trường hợp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ hoàn thuế và nộp cho các cơ quan thuế, nhưng việc hoàn thuế diễn ra rất chậm, có những trường hợp kéo dài nhiều năm, gây khó khăn không nhỏ cho việc cân đối vốn của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là đối với vốn lưu động phải vay và trả lãi cho các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, cần nghiên cứu và có quy định cụ thể trong Luật về nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan thuế, chính quyền các cấp trong việc tuân thủ nghiêm túc thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp khi hồ sơ hoàn thuế đã đầy đủ theo quy định; có chế tài xử lý nghiêm túc nếu không tuân thủ.
Tán thành cao với các quy định về trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định công chức thuế chỉ chịu trách nhiệm " trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của người nộp thuế cung cấp " trong từng lần hoàn thuế. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là chưa thật sự chuẩn xác, có thể bỏ lọt trách nhiệm và cũng có thể bỏ lọt hành vi tiêu cực, làm mất đi hiệu lực trong công tác phòng chống gian lận hoá đơn của thanh tra, điều tra, kiểm toán ... đã thực hiện trong thời gian qua. Do đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ, đảm bảo tính khả thi của các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật.