Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), tổng nợ xấu của nhà băng này tăng gần 20% so với đầu năm, lên 1.476,7 tỷ đồng. Tại thời điểm, cuối năm 2019, số nợ xấu của TPBank chỉ ở mức 1.234,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ xấu ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn có mức tăng lớn nhất tới trên 47,2% chỉ sau 6 tháng đầu năm. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 22%. Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 11.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý II/2020 của nhà băng này cũng vì thế tăng từ mức 1,29% lên mức 1,47%.
Số dư nợ xấu tăng lên buộc TPBank cũng phải liên tục gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 2 quý đầu năm nay, lần lượt là hơn 324 tỷ đồng trong quý I/2020 và 441,6 tỷ đồng trong quý II/2020. Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này vọt tăng lên 765,7 tỷ đồng trong 6 tháng và có mức tăng tới 49,1% so với cùng kỳ 2019.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng đang phải chứng kiến mức tăng rất mạnh ở hàng loạt nhóm nợ xấu sau 6 tháng kinh doanh đầu năm.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế báo nợ xấu tăng mạnh
Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của VIB, nợ xấu tăng tới 27,6% so với cuối năm 2019, lên 3.267,2 tỷ đồng. Trong đó, nhóm có khả năng mất vốn ở mức 1.979 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số dư nợ xấu của ngân hàng VIB. So với cuối năm ngoái, nợ có khả năng mất vốn của VIB đã tăng 12,6% và cũng là mức tăng thấp nhất so với 2 nhóm nợ còn lại.
Cụ thể, nợ xấu ở nhóm dưới tiêu chuẩn có mức tăng tới 79,6% và nợ nghi ngờ cũng tăng hơn 49,2%. Nợ xấu vọt tăng trong các tháng đầu năm khiến cho VIB phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 421 tỷ đồng, tăng hơn 31,7%.
Mặc dù cho vay tăng nhẹ nhưng số dư nợ xấu của Bac A Bank cũng không nằm ngoài dự báo khi tăng thêm gần 19% lên 595 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng từ 0,69% vào cuối năm trước lên 0,8%.
Đến hết quý II/2020, tổng nợ xấu nội bảng của VietBank ở mức 807 tỷ đồng, tăng 49,7%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng lên gấp 1,5 lần với gần 533 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,32% vào cuối năm 2019 lên 1,88%.
Sacombank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank ở mức 6.682 tỷ đồng, tăng 16,5%. Nợ cần chú ý của Sacombank tăng tới 63%, trong khi nợ nhóm 3 cũng tăng gần 3 lần. Điều này khiến ngân hàng phải tăng mạnh 50% trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% vào cuối năm 2019 lên 2,15%.
Trong 2 quý vừa qua, MB đã trích lập 3.310 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 40% so với cùng kỳ 2019. Tính đến 30/6, tổng nợ xấu nội bảng của MB ở mức 3.577 tỷ đồng, tăng 23,5%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 618 tỷ đồng lên 1.695 tỷ đồng, tương ứng tăng 174%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,16% vào cuối năm 2019 lên mức 1,37%.
Tại ngày 30/6/2020, nợ xấu của ACB là 1.918 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,68%.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt báo nợ xấu tăng gần 500 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng thông tin, hoạt động kinh doanh sau 6 tháng đầu năm ghi nhận tổng số dư nợ xấu tăng thêm gần 500 tỷ đồng, tương đương 23,4% lên hơn 2.506 tỷ đồng với mức tăng xuất hiện lần lượt ở cả 3 nhóm nợ xấu và nhiều nhất ở nhóm nợ có khả năng mất vốn. Đưa tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 1,44% vào cuối năm 2019 lên 1,65%. Nhóm nợ có khả năng mất vốn tại LienVietPostBank tăng thêm hơn 312 tỷ đồng chỉ sau vài tháng và đưa tổng số dư nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng này lên con số trên 1.738 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng nhà nước tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng diện cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Các khoản nợ vay được giải ngân trước ngày 25/4 sẽ thuộc diện được cơ cấu xem xét hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ (trước đó thời hạn này là 23/01).
Các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngàu 23/1 đến hết năm nay cũng sẽ được xem xét cơ cấu nợ (trước đó mốc thời gian này là liền kề 3 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch).
Như vậy, mặc dù hiện tại đã được cơ cấu lại các khoản trả nợ, miễn, giảm lãi nhưng cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng vẫn xấu hơn so với cuối quý I. Do đó, mức nợ xấu hiện tại chưa thực sự phản ánh đúng chất lượng tài sản của các ngân hàng khi mà các khách hàng bị ảnh hưởng từ Covid-19 đang nhận được hỗ trợ từ Chính phủ.
Chính vì thế nhiều dự báo về nợ xấu và lợi nhuận của các ngân hàng sẽ còn xấu hơn vào quý 3-4 và cuối năm nay, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang tái bùng phát như hiện nay.
Linh Anh