3 cách để kiểm tra nợ xấu từ thẻ tín dụng để không “mất tiền oan”. |
Đồng loạt kiểm tra tài khoản ngân hàng sau vụ nợ xấu 8,8 tỷ đồng
Sau sự việc một khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng, nhiều người chủ động gọi tới tổng đài ngân hàng để kiểm tra các tài khoản và thẻ ngân hàng được mở từ nhiều năm trước mà không sử dụng, mới phát hiện có khoản nợ phí, lên tới triệu đồng.
Chị Nguyễn Thu Hiền (ở Hà Đông, Hà Nội) kể cách đây nhiều năm, có một số người bạn của chị là nhân viên ngân hàng nhờ xin thông tin của chị để mở các thẻ tín dụng với mục đích hoàn thành chỉ tiêu được giao. Họ cam kết không dùng tài khoản này và sẽ thay chị trả mọi khoản phí theo quy định, vì thế chị Hiền không lo nợ xấu cũng không lo hao hụt tài chính.
Do cả nể, chị Hiền đồng ý và làm giấy ủy quyền cho những người bạn này nhận hộ thẻ tín dụng. Từ đó, chị không quan tâm đến những chiếc thẻ này nữa, cũng không bao giờ để ý check mail, điện thoại hay kiểm tra tài khoản.
Tuy nhiên đến nay, khi nghe thông tin về vụ việc hy hữu xảy ra ở một ngân hàng, chị Hiền thực sự lo lắng.
“Đây là lỗi chủ quan của tôi, hiện tôi lo sợ nhỡ mình rơi vào tình trạng nợ xấu mà không biết thì số nợ sẽ như thế nào sau nhiều năm. Dù người bạn cam kết không dùng tài khoản của tôi để chi tiêu nhưng trên thực tế mọi thông tin về thẻ tín dụng đều là cá nhân tôi nên cũng không thể nói mình không liên đới. Nếu có nợ xấu, chắc chắn tôi sẽ phải trả.
Lo sợ điều này, tôi đã phải ngay lập tức liên hệ với những người bạn đã từng phát hành thẻ giúp để yêu cầu kiểm tra tài khoản thẻ tín dụng, đồng thời đề nghị lấy lại thẻ của mình. Rất may, hiện tại tôi không dính khoản nợ nào. Tuy nhiên tôi đã rút kinh nghiệm và không chủ quan nữa. Tôi sẽ hủy bớt những thẻ không thực sự cần thiết để tránh sự cố xảy ra”, chị Hiền nói.
Không may mắn như chị Hiền, anh Lê Anh Chung (TP.Thủ Đức) đăng ký thẻ tín dụng tại một ngân hàng nhưng không kích hoạt. Những tưởng là chưa kích hoạt có nghĩa là cũng không sử dụng, sẽ không bị tính phí gì, thế nhưng qua năm thứ 2, ngân hàng báo anh nợ 600.000 đồng phí thường niên.
Oái oăm hơn là trường hợp của chị Phan Thanh (Q.3, TP.HCM) nhớ lại cách đây nhiều năm tham gia trong một sự kiện tài chính được nhân viên DongABank mời mở thẻ để trải nghiệm dịch vụ, phí toàn bộ là 0 đồng. Thấy cũng không mất gì nên chị Thanh đồng ý; nhưng nhiều năm sau đó, chị không sử dụng thẻ này mà mỗi tháng đều nhận tin nhắn trừ phí.
Thấy phiền phức, chị Thanh ra NH đóng thẻ thì nhân viên yêu cầu đóng nợ gần 140.000 đồng vì "ngoài phí nhắn tin còn có cả phí thường niên hằng năm", người này giải thích. Dù rất bực mình nhưng muốn đóng tài khoản thẻ thì phải nộp phí trên, còn không nộp thì phí cứ nhảy theo thời gian, nên chị Thanh đành nộp tiền để đóng thẻ.
Lưu ý khi dùng thẻ tín dụng để tránh "mất tiền oan"
Để quản lý thẻ tín dụng, người dùng cần hiểu rõ bảng sao kê và các thuật ngữ được thể hiện trong đấy. |
Thẻ tín dụng giúp người dùng chi tiêu trước, trả tiền sau. Khi dùng thẻ này, ngân hàng sẽ cấp một hạn mức tín dụng nhất định cho thẻ, người sử dụng có thể chi tiêu, thanh toán với số tiền nằm trong hạn mức đó. Đến hạn thanh toán, người dùng cần nạp, hoàn lại số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng.
Không ít người nhầm lẫn thẻ tín dụng là thẻ Visa, MasterCard, JCB, American Express... Thật ra đây là các loại thẻ thanh toán quốc tế do các công ty liên kết với ngân hàng để phát hành và nó có thể là thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước. Thẻ trả trước là một loại thẻ ATM, dùng để rút tiền, chuyển tiền hoặc thanh toán hàng hóa bằng số tiền có trong thẻ. Trong thẻ có bao nhiêu tiền, người dùng chi tiêu được bấy nhiêu.
Để quản lý thẻ tín dụng, người dùng cần hiểu rõ bảng sao kê và các thuật ngữ được thể hiện trong đấy. Bảng sao kê luôn được ngân hàng phát hành mỗi tháng (bằng văn bản giấy, email hoặc ứng dụng trên điện thoại), ghi nhận tổng quan các hoạt động chi tiêu của thẻ tín dụng. Bảng chứa nhiều thông tin, nhưng cần chú ý nhất là ngày lập bảng, khoản dư nợ tín dụng cần trả (gồm khoản thanh toán tối thiểu và dư nợ cuối kỳ), ngày thanh toán.
Ngày lập bảng (hay ngày sao kê) giúp xác định khoảng thời gian sao kê thẻ tín dụng. Tất cả giao dịch từ ngày lập bảng tháng trước đến hết ngày lập bảng tháng này sẽ được tính vào dư nợ. Ví dụ, ngày sao kê của một thẻ tín dụng là 25 mỗi tháng. Vậy dư nợ của tháng 3 sẽ gồm các giao dịch được ghi nhận từ ngày 26/2 đến ngày 25/3. Cần lưu ý thêm, ở một số ngân hàng, giao dịch có thể được ghi nhận với độ trễ 1-2 ngày kể từ ngày thực hiện. Do đó, bảng sao kê có thể tính cả các giao dịch được "quẹt" trước ngày lập bảng.
Ngày thanh toán là mốc thời gian cuối cùng, chủ thẻ cần trả nợ cho ngân hàng để không bị tính lãi và phí. Do độ trễ trong ghi nhận giao dịch kể trên, bạn nên thanh toán dư nợ thẻ trước ngày quy định khoảng 1-2 ngày để hệ thống ngân hàng ghi nhận thành công, tránh những khoản phát sinh không đáng có.
Khoảng cách giữa ngày sao kê đến ngày thanh toán được quy định bởi thời gian miễn lãi. Các ngân hàng hiện nay đưa ra chính sách miễn lãi suất dao động trong khoảng 45-55 ngày.
Nhiều người dùng hiểu lầm rằng, số ngày miễn lãi suất được tính từ lúc bắt đầu phát sinh giao dịch. Dù bất cứ thời điểm nào, 45-55 ngày sau đó vẫn không bị tính lãi. Đây là cách hiểu hoàn toàn sai. Công thức tính đúng như sau:
Ngày chốt sao kê của tháng trước + Số ngày được miễn lãi suất
Ví dụ, một thẻ tín dụng có thời điểm chốt sao kê vào ngày 30 hàng tháng với 45 ngày miễn lãi. Vậy, hạn chót người dùng phải thanh toán là ngày 15 tháng sau (hoặc ngày 14 nếu là tháng nhuận).
Hai dữ kiện dễ gây nhầm lẫn cho người dùng thẻ tín dụng trong bảng sao kê là dư nợ cuối kỳ và khoản thanh toán tối thiểu.
Dư nợ cuối kỳ gồm tất cả giao dịch trong kỳ sao kê tháng này (gồm cả khoản trả góp) cộng số dư nợ chưa được thanh toán từ các kỳ sao kê trước (nếu có). Còn khoản thanh toán tối thiểu là số tiền ít nhất phải trả trong kỳ, thông thường sẽ bằng 5-10% tổng dư nợ cuối kỳ, số tiền còn lại ngân hàng đồng ý cho chủ thẻ vay và phải trả lãi.
Nếu không muốn bị tính lãi và phí, người dùng thẻ bắt buộc phải thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ trước ngày đến hạn. Nhiều người nhầm lẫn chỉ cần trả khoản thanh toán tối thiểu, dẫn đến việc phát sinh chi phí không mong muốn vì bạn vẫn còn nợ ngân hàng 90-95% số tiền đã sử dụng của tháng trước.
Trong trường hợp thanh toán sau ngày quy định, không thanh toán hoặc thanh toán ít hơn khoản tối thiểu, chủ thẻ sẽ bị tính lãi và phí trả chậm. Trong đó, lãi suất sẽ được tính theo dư nợ cuối ngày, cộng dồn sau mỗi giao dịch phát sinh trong tháng. Còn phí trả chậm thường được các ngân hàng quy định (khoảng 4-8%) trên số tiền thanh toán tối thiểu. Các ngân hàng hiện nay còn quy định phí trả chậm tối thiểu, nếu phí trả chậm thực tế của bạn nhỏ hơn, bạn vẫn bị thu theo mức quy định.
Cách để kiểm tra nợ xấu từ thẻ tín dụng nhanh nhất
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ thông tin khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, mua trả góp, vay ngân hàng... sẽ được lưu thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Toàn bộ quá trình trả nợ, vay nợ, chậm trả nợ của khách hàng, doanh nghiệp sẽ được lưu trên cổng thông tin này.
Dưới đây là 3 cách để kiểm tra nợ xấu từ thẻ tín dụng nhanh nhất:
Cách 1:
– Bước 1: Truy cập website của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tại địa chỉ: https://cic.gov.vn/.
– Bước 2: Tại mục “Khai thác báo cáo” bạn chọn “Thông tin tín dụng”. Sau đó nhấn chọn "Đăng ký" > Điền đầy đủ thông tin theo biểu mẫu > Nhấn chọn "Tiếp tục". Ở bước này, quý khách nên nhập email và số điện thoại chính chủ để nhận thông báo từ CIC.
– Bước 3: Nhập mã OTP được gửi về từ số điện thoại đã đăng ký > Nhấn chọn "Đồng ý" để chấp nhận điều khoản dịch vụ > Nhấn "Tiếp tục".
– Bước 4: Sau khi đã hoàn tất các thao tác nêu trên, nhân viên CIC sẽ gọi đến số điện thoại quý khách đã cung cấp để xác minh thông tin. Nếu thông tin chính xác, quý khách sẽ được cung cấp một tài khoản bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu qua SMS/Email.
– Bước 5: Lấy thông tin đăng nhập và kiểm tra nợ xấu trong phần thông tin cá nhân.
Cách 2:
Bạn cũng có thể kiểm tra trên điện thoại bằng cách tải App tra cứu. Đầu tiên, người dùng cần tải về ứng dụng CIC credit connect – Kết nối nhu cầu vay trên CH Play hoặc iCIC NATIONAL CREDIT INFORMATION CENTRE OF VIETNAM trên App Store. Sau đó làm tương tự theo hướng dẫn.
Trong bản báo cáo tín dụng, các bạn cần lưu ý đến mục Mức độ rủi ro để đối chiếu thông tin xem mình có bị ghi nhận nợ xấu hay không.
Cách 3:
Kiểm tra nợ xấu trực tiếp tại ngân hàng bằng CMND/CCCD. Để xóa nợ xấu và cải thiện điểm tín dụng, bạn cần thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ hiện tại, tránh tạo thêm nợ mới mà khả năng tài chính không cho phép.