Tồn kho dầu cọ của Malaysia cuối tháng 7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng do sản lượng tăng, nhưng không đạt kỳ vọng do xuất khẩu tăng nhanh hơn.
Uỷ ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết, các kho dự trữ tại nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới này đã tăng 0,68% trong tháng 7/2023 so với tháng trước đó lên 1,73 triệu tấn, tăng tháng thứ ba liên tiếp.
Một cuộc khảo sát của Reuters hồi đầu tháng 8/2023 đã chốt tồn kho ở mức 1,79 triệu tấn, tăng 4,2% so với tháng trước đó.
Dữ liệu của MPOB cho thấy, sản lượng dầu cọ thô của Malaysia đã tăng 11,21% lên 1,61 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2022. Xuất khẩu tăng 15,55% lên 1,35 triệu tấn, nhiều hơn dự kiến.
Anilkumar Bagani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty tư vấn Sunvin Group có trụ sở tại Mumbai, cho biết sản lượng đang có xu hướng tăng theo mùa, trong khi nhu cầu xuất khẩu có thể phục hồi vào tháng 8/2023 do không có nguồn cung dầu hướng dương từ Biển Đen.
Bagani thêm rằng, việc giá dầu cọ chiết khẩu nhiều hơn so với dầu hướng dương và dầu đậu tương cạnh tranh sẽ giúp mặt hàng này thu hút được nhiều khách mua, đặc biệt là trong các lễ hội Ấn Độ vào tháng 9 tới đây.
Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, đã mua 1,09 triệu tấn dầu cọ trong tháng 7/2023, tăng gần 60% so với tháng 6 và là mức cao nhất trong 7 tháng.
Sanjeev Asthana, Giám đốc điều hành của Patanjali Foods Ltd (PAFO.NS) cho biết, nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9 tới.
Theo các đại lý, dầu cọ thô được chào bán với giá 910 USD/tấn, bao gòm chi phí, bảo hiểm và cước vận chuyển (CIF) tới Ấn Độ đối với các đơn hàng tháng 9/2023. Trong khi đó, dầu đậu tương và dầu hướng dương được bán với các mức tương ứng 1.050 USD/tấn và 1.010 USD/tấn.
Giá dầu đậu tương tăng vọt trong 1 tháng qua do lo ngại về sản lượng tại Mỹ và nguồn cung giảm từ Argentina, nước xuất khẩu hàng đầu. Còn dầu hướng dương cũng trở nên đắt đỏ sau khi Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen. Khu vực Biển Đen chiếm 60% sản lượng dầu hướng dương thế giới và 76% xuất khẩu.
Trong khi đó, giá dầu cọ không tăng, thậm chí còn giảm do tồn kho tăng tại các nước sản xuất. Do đó, cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan cũng đã tăng mua dầu cọ cho các đơn hàng tháng 8 và tháng 9.
Nhập khẩu dầu thực vật trong tháng 7/2023 của Trung Quốc, chủ yếu là dầu cọ, đã tăng 48% so với một năm trước lên 778.000 tấn.
Mức chiết khấu của dầu cọ so với các loại dầu cạnh tranh có thể sẽ giảm dần do xuất khẩu tăng sẽ làm giảm lượng hàng tồn kho ở cả Malaysia và Indonesia.
Sau đây là bảng phân tích số liệu của Uỷ ban Dầu cọ Malaysia và ước tính của Reuters cho tháng 7/2023 (khối lượng tính bằng tấn):
Tháng 7/2023 | Khảo sát tháng 7/2023 | Tháng 6/2023* | Tháng 7/2022 | |
Sản lượng | 1.610.052 | 1.580.500 | 1.447.697 | 1.573.560 |
Tồn kho | 1.731.512 | 1.793.301 | 1.719.835 | 1.772.804 |
Xuất khẩu | 1.353.925 | 1.271.339 | 1.171.739 | 1.325.342 |
Nhập khẩu | 103.837 | 83.000 | 135.271 | 130.615 |
Dầu cọ - lợi ích và nguy cơ tiềm tàng |