Phóng viên đồng hành cùng nhà nông
Nói về những sự kiện về nông dân, nhà báo Hồng Thoan báo Đắk Nông với 15 năm phụ trách tuyên truyền mảng nông nghiệp chia sẻ: "Tôi thấy Đắk Nông có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp. Tôi thấy nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, nông dân mạnh dạn học tập cái mới vào sản xuất.
Tuy nhiên tôi vẫn còn nhiều trăn trở khi nông nghiệp của tỉnh còn chưa có nhiều sự liên kết với các doanh nghiệp đầu tàu, vẫn được mùa mất giá. Nông dân vẫn chịu nhiều tác động, ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Đắk Nông có công viên được toàn cầu Unesco đã được cả thế giới biết đến. Tôi nghĩ kết hợp nông nghiệp với du lịch sẽ là một thế mạnh cạnh tranh mà nông dân cần nhìn nhận đầu tư nghiêm túc".
Nhà báo Hồng Thoan phỏng vấn nông dân trong lúc thu hoạch lúa. |
Còn phóng viên Trần Tín Trọng - Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn (Bình Định) chia sẻ: "Với nhiệm vụ thông tin tuyên truyền tại địa phương, những năm qua tôi luôn gắn với mảng nông nghiệp là chính. Người dân miền đất võ chân lấm tay bùn, phơi lưng phó mặc cho trời nên tôi rất thấu hiểu. Để có những sản phẩm nông nghiệp làm ra, nông dân ở quê chịu nhiều vất vả và thiệt thòi. Chính điều đó đã thúc đẩy tôi, đưa sản phẩm của người nông dân lên vị thế mới. Nâng cao giá trị của sản phẩm làm từ nông dân đến tay người tiêu dùng cả nước..."
phóng viên Trần Tín Trọng - Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn (Bình Định). |
Tương tự, phóng viên Trần Văn Yên -Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm thường trú tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, viết về mảng nông nghiệp thì cần phải đi sâu đi sát mới hiểu hết được những khó khăn của người nông dân.
"Tôi cảm nhận rõ rệt sự vất vả, khó khăn của bà con trong việc sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Điều mà tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi tỉnh Lâm Đồng mình có những nông dân với nhiều mô hình hay, sáng kiến giỏi để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. Được sự tin tưởng, cung cấp thông của bà con, những tin, bài của tôi đã kịp thời phản ánh đến chính quyền địa phương và đón nhận từ độc giả."- phóng viên Yên nói.
Chủ cơ sở tré Tây Sơn - bà Võ Thị Thúy (trú huyện Tây Sơn, Bình Định) chia sẻ: "Nhờ vào báo chí đã giúp sản phẩm của gia đình được nhiều người biết đến. Qua báo chí, tôi có nhiều kiến thức sâu hơn về phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững".
Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm là "cầu nối" giúp lan tỏa sản phẩm nông nghiệp
Việc thực hiện các tin bài liên quan đến đời sống lao động, sản xuất của bà con đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan báo chí địa phương và trung ương.
Trong đó, báo chí luôn chú trọng các đề tài gần gũi với cuộc sống như: gương người tốt, việc tốt; giới thiệu các mô hình hay, cách làm hiệu quả về về “tam nông”; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất...
Riêng đối với các phóng viên, khi được phân công phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, đa số đều nhận thấy trách nhiệm và tâm huyết với công việc.
Phóng viên Trần Văn Yên -Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm thường trú tỉnh Lâm Đồng trong một lần tác nghiệp. |
Các phóng viên viết về lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên bám cơ sở, phản ánh sinh động, đa chiều về đời sống lao động, sản xuất của người dân.
Đặc biệt là những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về “tam nông” đang phát huy hiệu quả ở các địa phương luôn được phóng viên mảng nông nghiệp tuyên truyền kịp thời.
Nhờ bám sát địa bàn, bắt nhịp cùng hơi thở cuộc sống, phóng viên đã hình thành các đề tài, tạo nên nhiều tác phẩm báo chí để quay trở lại phục vụ người dân.
Từ nhiều năm nay, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã trở thành "cầu nối" truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường đến với nông dân.
Đội ngũ phóng viên của Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã không ngừng tìm tòi, chuyển tải những mô hình kinh tế mới, cách làm sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phương pháp canh tác tiến tiến của nông dân để phản ánh, tuyên truyền.
Đơn cử, Chương trình Bình chọn và công bố sản phẩm tin dùng năm 2023. Để Chương trình này đi vào thực tiễn, tạp chí đã tích cực tham gia truyền tải thông tin một cách đa chiều.
Ông Lê Hà An - Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Tây Sơn |
Ông Lê Hà An - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn (Bình Định) cho hay: "Thời gian qua, báo chí đã hỗ trợ ngành nông nghiệp địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cách làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
"Hiện UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT hướng dẫn các chủ hộ có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hoàn thiện truy xuất nguồn gốc và phối hợp với Hội Nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; vận động chủ hộ nâng cao chất lượng sản phẩm đạt 4- 5 sao. Báo chí đã góp phần rất lớn trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản từ việc tuyên truyền đến người dân về sản xuất nông sản an toàn, thông tin kịp thời về thị trường, tiến bộ kỹ thuật, cách làm mới, sản phẩm mới, những điển hình tiên tiến trong sản xuất, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Đồng thời, báo chí còn phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách khi vào cuộc sống để các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp. Báo chí là diễn đàn của nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, là cầu nối giữa Dân với Đảng. Là đội quân chủ lực tuyên truyền, cổ động, tạo sự lan tỏa và nhiệt huyết nhân rộng những điển hình tiên tiến, dẫn dắt, định hướng nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng từng thời kỳ"- ông Hà An nói.
Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp đưa sản phẩm OCOP ra ngoài tỉnh nhiều hơn bằng việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời với phối hợp với các báo tuyên truyền sản phẩm OCOP đến với mọi người dân trên mọi miền đất nước.
Có thể khẳng định rằng, vai trò của báo chí, phát thanh và các kênh truyền thông khác trong lĩnh vục tuyên truyền cho nông nghiệp và nông thôn ở huyện Tây Sơn là không thể thiếu. Báo chí sẽ luôn luôn là người bạn đồng hành cùng với ngành nông nghiệp huyện Tây Sơn hướng đến những đổi thay ở huyện nhà.