Tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội)
Những dòng người đang mỗi lúc một đông, yên lặng hướng về Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người dân ở các tỉnh, thành xa xôi đã có mặt từ sớm, tất cả lặng yên trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự mất mát to lớn của cả dân tộc.
Người dân cầm sẵn căn cước, đứng sau barie đầu phố Nguyễn Công Trứ đợi vào viếng. Ảnh: Hoàng Phương |
Có mặt tại ngã tư Lê Thánh Tông – Trần Hưng Đạo, gần khu vực trước Nhà tang lễ Quốc gia từ 5h, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thủy và chị Nguyễn Thị Dung quê ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An nắm tay nhau, đứng nép trên vỉa hè. Anh Nguyễn Văn Thủy kể rằng, hai vợ chồng anh đón xe khách đi Hà Nội từ chiều tối hôm trước.
Khoảng 4h, khi xe khách đến bến xe Nước Ngầm, cả hai vợ chồng anh đón xe ôm chở về khu vực Nhà tang lễ Quốc gia để chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư. Từ khi nghe tin đồng chí Tổng Bí thư từ trần, cả hai vợ chồng anh Thủy tưởng chừng như mất đi một người cha, người thân yêu trong gia đình. Cả hai vợ chồng cố gắng thu xếp công việc ở quê cho gọn gàng rồi gửi nhà cửa nhờ hàng xóm trông nom hộ, đón xe khách lên Hà Nội với mong muốn được vào tận nơi kính viếng đồng chí Tổng Bí thư.
Trong tâm trạng xúc động, chị Nguyễn Thị Dung bày tỏ, anh chị là những người dân ở quê, chưa có điều kiện được gặp trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư nhưng qua xem đài, báo, ti vi và thực tế cuộc sống cho thấy đồng chí Tổng Bí thư là một tấm gương sáng ngời, nhân cách lớn lao, có sức lan tỏa đến tất cả mọi người để mọi người cùng hướng thiện, cùng đoàn kết chăm lo cuộc sống. “Dù ở xa nhưng vợ chồng chúng tôi sẽ quyết tâm ở lại Hà Nội chờ đến khi nào được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư thì lúc đó chúng tôi mới yên lòng quay về quê”-chị Nguyễn Thị Dung tâm sự.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thủy và chị Nguyễn Thị Dung đón xe từ quê lên Hà Nội để được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư. Ảnh Hoàng Phong |
Hòa trong dòng người ở khắp mọi miền của Tổ quốc đến Nhà tang lễ Quốc gia để chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư, bác Nguyễn Chí Sĩ năm nay đã hơn 80 tuổi, quê ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) không giấu được nỗi xúc động, nghẹn ngào khi nhắc đến đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhà ở xa nên bác Sĩ phải đón xe buýt từ ngày hôm trước để lên ở nhờ nhà người thân tại phố Thái Hà, quận Đống Đa. Sáng sớm nay, bác được người thân đưa lên đứng ở trước khu vực Nhà tang lễ Quốc gia chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.
Bác Nguyễn Chí Sĩ xúc động khi nhắc đến đồng chí Tổng Bí thư. Ảnh Hoàng Phong |
“Chúng tôi là những người cao tuổi, dẫu hiểu sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của tạo hóa nhưng sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư đã để lại cho tôi nỗi xúc động, bồi hồi. Có thể nói, cả cuộc đời của đồng chí Tổng Bí thư đã cống hiến đến giây phút cuối cùng cho Đảng, cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Những giá trị và di sản của đồng chí Tổng Bí thư để lại là tài sản vô giá đối với nhân dân, đất nước chúng ta cũng như bạn bè quốc tế”- bác Nguyễn Chí Sĩ cho biết.
Tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội
Từ sáng sớm 25/7, nhiều người dân đã về làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội - quê hương Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, để chuẩn bị vào viếng.
Hàng trăm người dân có mặt tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
5h20 sáng 25/7, bà Vương Thị Hoa (Đông Anh, Hà Nội) cùng các thành viên trong gia đình đã có mặt tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà để xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Hoa quê ở thôn Lại Đà, lấy chồng xa quê. Tối 24.7, bà cùng chồng và các con đã về quê để sáng sớm nay có mặt tại đây. "Nhìn thấy mọi người xếp hàng rất đông để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi vô cùng xúc động về tình cảm mà người dân dành cho Tổng Bí thư" - bà Hoa chia sẻ.
Chị Ngô Thị Minh Phượng (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ 5h sáng, chị cùng người dân thôn Lại Đà xếp hàng ngay ngắn để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị cho biết, mặc dù chưa được nói chuyện trực tiếp với Tổng Bí thư, nhưng những lần làng có lễ hội, Tổng Bí thư đều về dự. Tổng Bí thư là người sống rất giản dị, chân thành với người dân thôn Lại Đà.
“Thật tự hào khi quê hương mình có người con ưu tú như ông. Nhân dân trong xã, trong thôn chúng tôi, ai cũng kính trọng, mến yêu, tự hào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” - chị Phượng cho hay.
Được cháu dâu đẩy xe lăn tới viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Lộc, 90 tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng của hai liệt sĩ, nói bà con trong thôn ai cũng mang nỗi buồn, nhiều người già cả như bà đêm qua cũng mất ngủ, chờ tới sáng để đến lễ viếng.
Theo lời kể của con cháu, bà Lộc là người gần gũi với gia đình Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là con gái đầu của trưởng họ nên bà được giao trọng trách cùng đoàn bà con lối xóm vào viếng đầu tiên.
Thương binh Phạm Sinh Nghiên đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Cường Ngô |
Ông Vương Khắc Duy (85 tuổi) bạn học cùng lớp cấp 1 và cấp 2 với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến lễ viếng tại thôn Lại Đà.
Ông Duy chia sẻ hay tin người bạn học qua đời, ông đã khóc suốt đêm. Sáng nay, dù phải ngồi xe lăn, ông vẫn đến lễ tang để tưởng nhớ người bạn học trước khi Tổng Bí thư về nơi yên nghỉ.
Bồi hồi nhớ lại thuở còn chung ghế nhà trường, ông Vương Khắc Duy kể Tổng bí thư học rất giỏi và chăm chỉ.
"Chúng tôi từng chia đôi củ sắn, củ khoai để lấy sức mà học", ông Duy nói và cho biết đó là những ký ức không thể nào quên.
Tại thôn Lại Đà cũng có nhiều em nhỏ theo cha mẹ tới lễ viếng.
Trong không gian trang nghiêm, tiếng nhạc Hồn tử sĩ vang lên, không ít người bật khóc, cúi đầu khi những hình ảnh trực tiếp tại lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ quốc gia hiện lên trên màn hình.
Tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM
Từ sáng sớm 25/7, rất đông người dân bên ngoài Hội trường Thống nhất để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh), nơi tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phía Nam. |
Bà Lê Thị Kim Liên (73 tuổi, quê Lâm Đồng) cho biết, bà bắt xe từ Lâm Đồng đến TPHCM và có mặt từ 5h sáng tại Hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng, thắp nén nhang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Người dân chúng tôi rất yêu mến, kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người có công lao lớn trong xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vững mạnh, để nhân dân chúng tôi được ấm no, hạnh phúc" - bà Liên xúc động.
Là một trong những đoàn đại biểu được tham dự lễ viếng trong sáng nay, đoàn đại biểu Liên đoàn Lao động TP.HCM có mặt từ rất sớm. Ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho biết bản thân là một cán bộ công đoàn, sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất mát to lớn.
Người dân đến viếng, chia sẻ sự tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Những ngày qua cán bộ, công nhân lao động TP hết sức bàng hoàng. Với người dân lao động TP, hình ảnh Tổng bí thư là điều gì đó rất gần gũi, ấm áp, hết lòng vì dân, hết lòng vì sự phát triển của đất nước.
"Chúng tôi có cơ hội làm việc với bác qua đại hội Công đoàn Việt Nam. Những chỉ đạo của bác hết sức sâu sắc, với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam.
Đồng thời thể hiện được tình cảm rất sâu sắc, thân thương của người đi trước đối với thế hệ trẻ, của một vị lãnh đạo đất nước đối với công nhân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng", ông Trung nói.