Tại hội nghị bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, những năm qua, lĩnh vực lâm nghiệp đã có bước phát triển nhanh với khoảng 4.600 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị ngành gỗ và lâm sản. Ngành gỗ đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Việt Nam đã nắm bắt tiếp cận được công nghệ hiện đại và trở thành quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản, là quốc gia thứ 2 ký được nghị định thư về thương mại gỗ với Liên minh châu Âu.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến ngành gỗ, Chính phủ đã ban hành một số chính sách để thúc đẩy ngành gỗ như: Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngàn hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…
Doanh nghiệp ngành gỗ đang trong giai đoạn khó khăn. Ảnh Itn
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ cần tập trung thảo luận, phân tích những vướng mắc khó khăn để cùng nhau tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành gỗ đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng trong giai đoạn tiếp sau của năm 2020. Tuy nhiên, cần tập trung khắc phục cho được những khó khăn trước mắt và lâu dài.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mong muốn các bộ ngành có ý kiến đóng góp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn tạm thời; tiếp tục thúc đẩy ngành hàng, phấn đấu đưa Việt Nam không chỉ đứng thứ 4 về xuất khẩu, mà hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và xuất khẩu lâm sản hàng đầu của thế giới.
Bàn về giải pháp cho các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest cho rằng, việc tổ chức lại chuỗi cung xuất khẩu gỗ là rất cần thiết. Đại dịch đã cho thấy chuỗi cung xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang khá mỏng, phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu (sơn, keo, vani…) nhập khẩu từ Trung Quốc, nên khi Trung Quốc gặp đại dịch nhiều nhà máy gỗ Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nguồn cung nguyên phụ liệu bị đứt gãy.
Thay đổi phương thức bán hàng và phát triển thị trường nội địa cũng sẽ là những ưu tiên nhằm giúp cho ngành gỗ phát triển ổn định, bền vững hơn. Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung xuất khẩu gỗ khi các phương thức bán hàng truyền thống tại các thị trường trọng điểm phải dừng hoạt động nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Do đó, bán hàng online đang là xu hướng trong thương mại toàn cầu nói chung, thương mại đồ gỗ nói riêng.
Linh An