Chiều 16/3, lãnh đạo chủ chốt khối liên minh châu Âu (EU) với các lãnh đạo G7 họp phiên bất thường nhằm tìm giải pháp chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó một giải pháp được đưa ra là đóng cửa toàn bộ đường biên giới trong 30 ngày. Mặc dù chỉ mới là đề xuất, nhưng thông tin này khiến nhiều doanh nghiệp da giày của Việt Nam lo lắng.Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội giày da TP.HCM cho biết, xuất khẩu của ngành này đến hết tháng 2 đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường chính vẫn là châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Có thể thấy giày da là một trong những ngành vẫn có sự tăng trưởng dù dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát toàn cầu.
Doanh nghiệp da giày sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu châu Âu đóng cửa biên giới. Ảnh minh họa
Sở dĩ ngành này vẫn tăng trưởng là do thị trường chính châu Âu vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Việc giao thương giữa Việt Nam với thị trường này vẫn ổn định. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội tại nhiều nước châu Âu. Số ca nhiễm và tử vong ngày một tăng, khiến lãnh đạo khối này bắt đầu đưa ra những biện pháp mạnh hơn để hạn chế dịch bệnh. Trong đó, đóng cửa toàn bộ biên giới châu Âu trong 30 ngày là giải pháp mới nhất.
“Hiện các doanh nghiệp da giày Việt Nam vô cùng hoang mang trước thông tin này. Nếu đề xuất đóng cửa toàn bộ biên giới được thông qua đồng nghĩa việc giao thương giữa EU với các nước gần như đóng băng. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Với riêng ngành da giày, hơn 60% sản phẩm da giày của Việt Nam xuất sang thị trường này”, ông Khánh nói.
Với ngành dệt may, thông tin này cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng. Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hiệp hội dệt may thêu đan TP.HCM chia sẻ: “Sáng nay tôi nhận rất nhiều cuộc gọi của các doanh nghiệp, đa số đều lo lắng trước thông tin này. Đã có nhiều khách hàng tại châu Âu và Mỹ hủy đơn hàng với doanh nghiệp trong nước. Riêng những đơn hàng đã sản xuất thì phải đợi tình hình dịch bệnh chuyển biến tốt hơn mới có thể xuất đi được”.
Ông Hồng còn cho biết, hiện không chỉ riêng châu Âu mà cả Mỹ cũng đang có ý định đóng cửa biên giới. Nếu điều này xảy ra, sẽ gây tổn thất rất lớn cho ngàng dệt may Việt Nam. Hiện Mỹ và châu Âu là hai thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của nước ta với khoảng 70% thị phần.
“Mức độ ảnh hưởng chưa thể nói trước nhưng chắc chắn là không hề nhỏ. Thông tin này đến quá bất ngờ, khiến nhiều doanh nghiệp không thể lường được và đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp. Hiệp hội cũng chưa có giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp”, ông Hồng nói.
Theo Thế giới tiếp thị