Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu |
Ngày 6/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn triển khai giám sát trực tiếp với Bộ Xây dựng, nghe lãnh đạo Bộ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, báo cáo nội dung việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến lĩnh vực ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua báo cáo của Bộ, Đoàn giám sát sẽ có đánh giá chính xác về kết quả thực hiện công việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ, nhìn ra mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quá trình thực hiện để phổ biến rộng, đặc biệt là ở tầm vĩ mô chính trị, quản lý đất nước, quản trị xã hội.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng sẽ làm rõ những hạn chế, vướng mắc, xác định rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan ở tầm vĩ mô, làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, trách nhiệm trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ việc triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong lĩnh vực ngành; làm rõ công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Xây dựng trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo.
Đồng thời, đề nghị Bộ đánh giá, nêu rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở tầm vĩ mô quản lý nhà nước, thống kê đầy đủ, rõ ràng chi tiết về những kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Xây dựng về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo |
Trình bày Báo cáo kết quả đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Bộ Xây dựng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, báo cáo của Bộ Xây dựng được chuẩn bị nghiêm túc, đã cơ bản bám sát đề cương theo yêu cầu của Đoàn Giám sát, phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Xây dựng trong 05 năm qua, cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Bên cạnh đó, về việc tiếp công dân, Tổ công tác kiến nghị Thanh tra Bộ Xây dựng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đề xuất một số vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài để Bộ trưởng tiếp và có ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, Tổ công tác đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, rà soát, khẩn trương ban hành Quyết định giải quyết các vụ việc khiếu nại chưa giải quyết dứt điểm để đảm bảo đúng quy định của pháp luật cả về nội dung, hình thức và thời hạn giải quyết.
Ngoài ra, về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ công tác đề nghị cần nghiên cứu theo hướng tích hợp liên thông 02 phần mềm của Thanh tra Chính phủ và Bộ Xây dựng để đảm bảo tính hệ thống, đồng thời, Bộ Xây dựng cần có kế hoạch cụ thể hơn về thời gian nghiệm thu để khẩn trương đưa vào sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu về tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh trình bày Báo cáo |
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, các nội dung báo cáo của Bộ Xây dựng đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn giám sát, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể về hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng số liệu đưa trong báo cáo chưa đảm bảo chính xác và thống nhất, đề nghị cần rà soát, kiểm tra kỹ càng, đưa ra những số liệu cụ thể và chuẩn xác nhất để Đoàn giám sát có thể đưa ra những nhận định cụ thể và xác thực nhất. Đánh giá việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ còn chậm, chưa kịp thời, một số đại biểu cho rằng cần phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, đánh giá đúng tác động của việc chậm ban hành văn bản này, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể để triển khai.
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản để giảm thiểu tình trạng các vụ việc khiếu nại về nhà chung cư, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn. Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo và yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến tranh chấp trong việc quản lý, vận hành chung cư thương mại, kết quả xử lý đối với các chủ đầu tư có sai phạm để tổng hợp, báo cáo Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu nội dung buổi làm việc |
Phát biểu kết luận nội dung buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận tinh thần làm việc tích cực, có trách nhiệm của Tổ công tác, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn của các đại biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá báo cáo của Bộ Xây dựng tương đối đầy đủ, công phu, bám sát đề cương, cung cấp nhiều số liệu, bảng biểu theo yêu cầu, phản ánh toàn diện, có trọng tâm trọng điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Bộ Xây dựng cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn về công tác tiếp công dân, đặc biệt là hoạt động tiếp công dân của người đứng đầu để có kiến nghị rõ ràng, cụ thể hơn.
Đối với các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, cấp phép xây dựng, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị..., Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ phải nêu được các sai phạm điển hình và phổ biến dẫn đến khiếu nại, tố cáo và khiếu kiện đông người, phức tạp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một trong những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo thời gian qua là điều chỉnh quy hoạch của một số địa phương. Do đó, đề nghị Bộ phân tích, làm rõ để có quan điểm và kiến nghị sửa đổi pháp luật liên quan cho thống nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến tại buổi làm việc là cơ sở để Đoàn giám sát tiếp tục tổng hợp thông tin qua các buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, từ đó có luận cứ đầy đủ, chính xác, đánh giá một cách toàn diện về việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực xây dựng, nhà ở, đô thị nói riêng. Trên cơ sở này, Đoàn giám sát sẽ tiến hành làm việc với Chính phủ, hoàn thiện báo cáo giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.