![]() |
Toàn cảnh Phiên thảo luận |
Tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về các nội dung liên quan đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Đóng góp vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều ý kiến đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp chất lượng như: Cần chủ động nguồn vắc xin; Đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19; Mở cửa phải nhất quán dựa trên khuyến cáo y khoa; Cần có cơ chế để huy động y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19;...
Chủ động nguồn vắc xin
Phát biểu thảo luận, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, mặc dù đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế; nhiều chương trình, gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được Quốc hội và Chính phủ đồng lòng triển khai đã thực sự là động lực quan trọng để cử tri và nhân dân vững tin vượt qua đại dịch.
![]() |
Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên |
Theo đại biểu, để đạt được phương châm chống dịch hiệu quả, Chính phủ cần quan tâm 03 yếu tố quan trọng, như sau: (1) Nhanh chóng có đủ vắc xin bao phủ toàn dân kể cả đối tượng là trẻ nhỏ. Việc bao phủ vắc xin sẽ giúp cho người dân dù có nhiễm covid thì người bệnh cũng ở thể nhẹ và không nguy hiểm đến tính mạng; (2) Sớm phổ biến những thuốc đặc trị Covid hiện được thử nghiệm và đánh giá rất tốt, nhằm giúp người bị nhiễm covid nhanh chóng khỏi bệnh trong vòng từ 5 – 7 ngày; (3) Chính phủ cần có giải pháp để từ năm 2022, Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin theo nhu cầu đặc biệt là nguồn vắc xin trong nước để chúng ta chủ động trong phòng, chống dịch và giảm được chi phí mua vắc xin.
Đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19
Cũng tại Phiên thảo luận, đại biểu Đặng Ngọc Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, năm 2021 do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, tăng trưởng kinh tế đã giảm ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương; hoạt động sản xuất kinh doanh lưu thông hàng hóa có lúc có nơi bị đình trệ, chi phí tăng cao; một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ; hệ thống y tế bị hạn chế nhất là ở cấp cơ sở; việc làm đời sống của người dân người lao động bị ảnh hưởng nhất là tại các địa bàn bị giãn cách. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, kinh tế - xã hội năm 2021 đạt được một số kết quả tích cực.
![]() |
Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi |
Theo đại biểu, trong thời gian tới đại dịch Covid -19 dự báo vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm; đứt gãy chuỗi cung ứng ,... Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19, sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu bào chế và sản xuất vắc xin trong nước để Việt Nam chủ động nguồn cung, tự chủ vắc xin thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid -19.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở cũng như có cơ chế để huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch Covid-19;...
Mở cửa phải nhất quán dựa trên khuyến cáo y khoa
Qua thực tế trực tiếp đi chống dịch ở nhiều địa phương và đúc rút kinh nghiệm phòng, chống dịch ở châu Âu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định kiến nghị cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị Covid tấn công, như người già, người có bệnh nền không ổn định, phụ nữ có thai,... bảo vệ các cơ sở y tế, các viện dưỡng lão để không trở thành các ổ dịch, tiêm phủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cần chú trọng việc triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị Covid trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ chủ trì trong triển khai lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Hội đồng nghiệm thu phần mềm các App ứng dụng cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết của y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh, cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng “đầu voi đuôi chuột” của những phần mềm trước đây.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định |
Về phát triển kinh tế, xã hội, đại biểu cũng nhấn mạnh, phải mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng, không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ zero Covid. Đồng thời, cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế tuyến huyện, quận, xã, phường. Đại biểu đề nghị phải đưa các mục tiêu cụ thể vào trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Trăn trở về chế độ, chính sách, những bất cập, vướng mắc của ngành y thời gian qua, đại biểu mong rằng sau đại dịch những bất cập này sẽ được giải quyết thỏa đáng. "Cần có các cơ chế rõ ràng đối với việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, nếu được có thể tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn,..", đại biểu đề xuất.
Cần có cơ chế để huy động y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19
Thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo điều hành sâu sát để thực hiện hiệu quả hơn đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là thực hiện kịp thời hơn, hiệu quả hơn với chiến lược vắc xin, trong đó cần ưu tiên cao nhất về các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất, sử dụng vắc xin trong nước nhằm chủ động và sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong đầu năm 2022. Cần quan tâm hơn đối với những địa phương đang có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 đạt thấp và chú ý đến vùng nông thôn miền núi.
![]() |
Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum |
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm thực hiện ngay việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực cho y tế cơ sở, sớm có cơ chế để huy động y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Để đảm bảo thực hiện tốt nhất chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Kết thúc Phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 97 đại biểu phát biểu, còn 26 đại biểu đã đăng ký, trong đó có 1 đại biểu tại điểm cầu Tp. Hồ Chí Minh. Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục phiên họp vào lúc 14h00 tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách và công tác phòng, chống dịch Covid-19./.