Hoàn thành sáp nhập cấp xã trước 30/6, cấp tỉnh trước 30/8 Sửa Hiến pháp, sáp nhập tỉnh và nhiều quyết sách trọng đại tại Kỳ họp thứ 9 Lấy ý kiến nhân dân để sửa Hiến pháp trong 1 tháng |
![]() |
Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng thực hiện một số nhiệm vụ, công việc liên quan đến đơn vị hành chính các cấp. Ảnh: Phạm Hùng |
Dừng trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn cũ
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạm dừng thực hiện một số nhiệm vụ, công việc liên quan đến đơn vị hành chính các cấp.
Công văn nêu rõ, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có nội dung xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập ĐVHC cấp xã.
Công văn cũng căn cứ vào văn bản số 1824/VPCP-NC ngày 7/3/2025 của Văn phòng Chính phủ, trong đó đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu thời điểm phù hợp để trình Chính phủ về đề án thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc trình đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.
Đồng thời, tạm dừng công tác phân loại đơn vị hành chính các cấp; tạm dừng thẩm định, nghiệm thu hồ sơ và bản đồ địa giới hành chính (Dự án 513), cũng như việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Bộ cũng đề nghị tạm dừng xây dựng hợp phần quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo văn bản số 8657/BNV-CQĐP ngày 31/12/2024, cho đến khi có chủ trương mới từ cấp có thẩm quyền.
Lý do dừng trình Đề án sắp xếp huyện xã theo quy định cũ
![]() |
Ông Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ. |
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, các nhiệm vụ được tạm dừng là những công việc địa phương đang thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó.
Còn việc các địa phương đang xây dựng các đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị vẫn đang được thực hiện không có gì thay đổi.
Theo ông Tuấn, tới đây sẽ có nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, nên phải dừng lại cái cũ và sẽ ban hành nghị quyết mới.
Theo ông Tuấn, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng ủy Chính phủ, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương để tham mưu trình các cấp có thẩm quyền Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, Bộ đang tham mưu Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính và các văn bản có liên quan, làm cơ sở pháp lý để thực hiện sáp nhập một số tỉnh, thành phố; bỏ toàn bộ cấp huyện; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp cơ sở (cấp xã) và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
"Các công việc liên quan đến chủ trương này đang được Bộ Nội vụ và các cơ quan trung ương, địa phương thực hiện với tinh thần "thần tốc", "làm việc không kể ngày đêm" để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ này theo đúng lộ trình đề ra tại Công văn số 43 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 của Trung ương khóa 12", ông Tuấn khẳng định.
Theo chủ trương mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tới đây các tỉnh, thành sẽ sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở.
Cả nước sẽ sáp nhập một số tỉnh để giảm 50% số tỉnh, thành; bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã, giảm còn 60-70%, tức là còn khoảng 3.000 xã.
Nội dung này cũng đang được lấy ý kiến các cấp ủy, ngành, địa phương để Bộ Chính trị trình hội nghị Trung ương lần thứ 11 xem xét thông qua trong tháng 4.
Sau đó, trong tháng 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua các nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Việc sáp nhập xã theo chủ trương mới sẽ hoàn thành và đi vào vận hành từ 1/7. Trong tháng 8, các tỉnh tiến hành sáp nhập tỉnh và vận hành đơn vị hành chính cấp tỉnh theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/9.
Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định: Điều 2. Tiêu chuẩn của huyện Quy mô dân số: a) Huyện miền núi, vùng cao từ 80.000 người trở lên; b) Huyện không thuộc điểm a khoản này từ 120.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên: a) Huyện miền núi, vùng cao từ 850 km2 trở lên; b) Huyện không thuộc điểm a khoản này từ 450 km2 trở lên. Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 16 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất 01 thị trấn. Điều 3. Tiêu chuẩn của xã Quy mô dân số: a) Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 8.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên: a) Xã miền núi, vùng cao từ 50 km2 trở lên; b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 30 km2 trở lên |