Chính phủ đề xuất sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn trong Luật Đấu thầu |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu mở đầu nội dung thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) |
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, sau gần 8 năm thực hiện, Luật Đấu thầu đã tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý, sử dụng vốn nhà nước, góp phần tiết kiệm chống tiêu cực, lãng phí trong việc lựa chọn nhà thầu, thực hiện đầu tư và mua sắm công. Bên cạnh kết quả đạt được, Luật cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế về một số hoạt động mua sắm đấu thầu, lựa chọn nhà thầu chưa được quy định, hoặc quy định chưa đầy đủ trong luật.
Một số quy định vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện như vi phạm trong đấu thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu vẫn diễn biến phức tạp, gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư, tiền, tài sản của Nhà nước. Công tác quản lý nhà nước, cơ chế phân cấp, phân quyền, chính sách, khuyến khích sử dụng sản phẩm, hàng hóa trong nước, mua sắm sản phẩm mới sáng tạo xanh còn bất cập. Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi luật với 5 nhóm chính sách lớn. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên UBTVQH thảo luận về sự phù hợp của dự thảo luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế, phạm vi, đối tượng điều chỉnh, sự phù hợp, tương thích của luật và các luật có liên quan, tính khả thi của các quy định, điều khoản chuyển tiếp, hình thức, nội dung văn bản và các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Thành viên UBTVQH tập trung cho ý kiến về một số quy định về lựa chọn nhà thầu, đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp có vốn nhà nước; khái niệm vốn nhà nước; nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu và điều ước quốc tế; thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; quy định về công khai thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu; quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu, đặc biệt là các nguyên tắc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu; quy định về mua sắm tập trung, mua sắm trực tiếp; quy định về quy trình, thủ tục thời gian thực hiện hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; quy định về đấu thầu, mua sắm hàng hóa trong nước; quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sửa đổi Luật Đấu thầu cần chỉ rõ nội dung nào, khoản nào, điều nào đang gây ách tắc làm cho quá trình đấu thầu kéo dài, gây nên những bất cập, vướng mắc trong thời gian qua. |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu bên cạnh tuân thủ nguyên tắc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần đi thẳng vào vấn đề cần sửa đổi, bổ sung là gì, vì sao phải sửa. Việc sửa đổi cần chỉ rõ nội dung nào, khoản nào, điều nào đang gây ách tắc làm cho quá trình đấu thầu kéo dài, gây nên những bất cập, vướng mắc trong thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực trạng kết quả giảm giá qua đấu thầu rất thấp, có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực… nguyên nhân của tình trạng này là gì, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, người đứng đầu trong thực hiện đấu thầu quy định trong luật đã đủ rõ?; tại sao mở rộng đối tượng chỉ định thầu; xu hướng hiện nay là luật hóa để công khai, minh bạch nhưng dự thảo luật có nhiều điều khoản giao cho Chính phủ và Thủ tướng hướng dẫn chi tiết, điều này tạo ra nhiều tầng nấc trung gian, nếu không cẩn thận việc sửa đổi sẽ thiếu minh bạch hơn.
Đối với công tác đấu thầu thuốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải vì sao giá đấu thầu thuốc lần sau phải thấp hơn lần trước, nếu như vậy sẽ tiến tới giá đấu thầu thuốc bằng 0; vướng mắc này thuộc Luật Đấu thầu hay trong nghị định, thông tư của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần lưu ý đến các điều khoản chuyển tiếp, tránh gây ách tắc khó khăn khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực…
Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo rà soát lại các điều khoản then chốt của luật để vừa giải quyết những tồn đọng vướng mắc hiện nay, không để phát sinh những vướng mắc mới, vừa nâng cao chất lượng trong quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Phiên họp. |
Các ý kiến phát biểu tại Phiên họp cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu, hồ sơ dự án cơ bản đầy đủ theo quy định tại khoản 2, Điều 58 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi bổ sung năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao Ban soạn thảo đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng luật, không bân biệt về giới, đặc biệt đã bổ sung quy định ưu đãi đối với nhà thầu sử dụng 25% lao động trở lên là nữ giới, điều này góp phần tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất hơn.
Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật, như Luật Nhà ở, Luật Dầu khí, Luật Đầu tư công… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị rà soát đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật; đồng thời trong điều về áp dụng pháp luật cần nêu rõ trong trường hợp luật này và luật khác quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì sẽ áp dụng luật nào.
Đối với quy định về chống tiêu cực, chống tham nhũng và gian lận trong đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, gian lận, tiêu cực trong đấu thầu. Đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng trung ương cũng xác định đấu thầu là lĩnh vực có nhiều nguy cơ về tham nhũng. Vì vậy, cần xác định rõ tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu thời gian qua có nguyên nhân do luật không, nếu có thì nằm ở điều luật nào, sửa theo hướng nào.
Tại phiên họp, một số thành viên UBTVQH cho biết, dự thảo luật có tới 26 điều (chiếm 30%) giao cho Chính phủ quy định chi tiết là không phù hợp với mục tiêu xây dựng luật, trong khi đây là những nội dung quan trọng, đặc biệt là các quy định về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu trong lựa chọn nhà thầu, danh mục dự án đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư, quy trình lựa chọn nhà thầu…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là dự thảo luật khó, vì không chỉ có vướng mắc trong thực tiễn mà cả trong công tác tổ chức thực hiện. Ban soạn thảo cần phân biệt rõ điều khoản nào bất cập do luật, vướng mắc nào do sơ hở ở khâu tổ chức thi hành. Nhận diện rõ vướng mắc, bất cập này thì mới có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch của dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). |
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung quy định liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế, nhưng một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để xử lý một số bất cập như một số loại hàng hóa y tế như thuốc, vaccine, sinh phẩm mà các cơ quan của Liên hiệp quốc có thể mua với giá thấp hơn so với đấu thầu trong nước, đề nghị bổ sung quy định mua sắm thông qua các cơ quan Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nêu vấn đề đang được xã hội quan tâm đó là đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ khó khăn trong quá trình này, do bất cập trong Luật Đấu thầu hiện hành hay do khâu tổ chức thực hiện.
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước đã giải trình các vấn đề thành viên UBTVQH nêu liên quan đến cắt giảm thời gian đấu thầu, cắt giảm các khâu trung gian trong đấu thầu, quy đinh về đấu thầu qua mạng, quy định về chỉ định thầu, đấu thầu thuốc, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong thực hiện đấu thầu, công khai minh bạch về thông tin trong đấu thầu…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) |
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, UBTVQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Để đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của UBTVQH, trong đó lưu ý ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về quan điểm, cách tiếp cận giải quyết nhiều nội dung cụ thể của Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng để hoàn thiện dự thảo luật, nhằm tương cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm đầu tư công, quản lý sử dụng ngân sách, tiền, tài sản của Nhà nước.
Bổ sung, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Luật Đấu thầu năm 2013, làm rõ những nội dung hiện hành của luật còn phù hợp, cần kế thừa, bổ sung số liệu, minh chứng để đánh giá tác động các chính sách sửa đổi…
Ban soạn thảo tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh để bao quát toàn bộ thực tiễn phát sinh; làm rõ các quy định về giải thích từ ngữ; thiết kế các chương, điều khoản chặt chẽ khoa học, không mâu thuẫn giữa các điều khoản trong luật; bổ sung các hành vi bị cấm đối với người có thẩm quyền, người có ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu; rà soát các quy định về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; quy định cụ thể hơn điều kiện đấu thầu quốc tế, mua sắm qua các tổ chức quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý Ban soạn thảo rà soát các quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo nguyên tắc chủ yếu là đấu thầu rộng rãi, chỉ áp dụng đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, các hình thức lựa chọn nhà thầu khác. Đặc biệt chỉ định thầu khi không thể đấu thầu rộng rãi vì lý do bất khả kháng, an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, hoặc áp dụng có lợi hơn so với đấu thầu rộng rãi. Đối với những nội dung chưa có quy định rõ trong luật hoặc để linh hoạt cho Chính phủ điều hành cần quy định nguyên tắc trong luật trước khi ban hành hướng dẫn quy định chi tiết…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.