Phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá Khánh Hòa: Xử phạt một cơ sở kinh doanh đường cát nhập lậu Tăng cường kiểm tra, giám sát đường mía nhập khẩu |
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), những năm trước đây, đường nhập lậu với nguồn gốc từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ đã gây nhiều thiệt hại nhiêm trọng đến ngành sản xuất mía đường trong nước.
Vấn nạn đường nhập lậu chưa được giải quyết, đường bán phá giá giá của Thái Lan tiếp tục ồ ạt chảy vào Việt Nam thông qua lợi thế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường (không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%).
Sau khi điều tra và xác định đường Thái Lan được trợ cấp, bán phá giá, Bộ Công thương đã áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64%.
Tuy vậy, vấn nạn đường nhập lậu vẫn chưa được giải quyết mà còn tiếp tục gia tăng từ đầu năm 2022 đến nay, bịt đầu ra của đường sản xuất trong nước.
Với những tác động tiêu cực được gây ra bởi đường Thái Lan nhập khẩu và nhập lậu, ngành mía đường Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề từ khi triển khai ATIGA năm 2020 đến nay.
Trước khi ngành đường thực thi ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường, tạo công ăn việc làm cho khoảng 350.000 hộ nông dân trồng mía.
Đến nay, chỉ còn 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy đã buộc phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ (chiếm gần 70%). Điều này khiến cho khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và khoảng 100.000 hộ nông dân trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác do thu nhập từ cây mía không đảm bảo cuộc sống của người nông dân.
Diện tích mía của nước ta từ 300.000ha nay giảm xuống còn gần 127.000ha, dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho các nhà máy, công ty sản xuất đường.
VSSA cho biết, đường nhập lậu cũng khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải bán dưới giá thành. Cho đến nay, vụ mía đã kết thúc nhưng rất nhiều nhà máy đang tồn kho đường không thể bán được và còn đang thiếu nợ tiền mía nguyên liệu của nông dân.
Về nguồn gốc và quy mô đường nhập lậu, VSSA cho biết, đến nay đã có thể khẳng định đường nhập lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Thái Lan. Do bán phá giá và trợ cấp nên có giá rẻ, và được buôn lậu từ Thái Lan sang Campuchia và Lào, sau đó đưa đến khu vực biên giới với Việt Nam và phối hợp với các đầu nậu buôn lậu Việt Nam để thâm nhập vào thị trường trong nước.
Theo VSSA, từ tháng 12/2021 đến nay, các hoạt động mua bán đường nhập lậu tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam.
“Ngành mía đường Việt Nam một lần nữa đứng trước nguy cơ bị xóa sổ và hủy diệt nếu không khắc phục được hiện tượng gian lận thương mại đường nhập lậu”, VSSA nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, VSSA đã kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất khẩn cấp để ngăn chặn gian lận thương mại đường nhập lậu.
Cụ thể, chỉ đạo các lực lượng chức năng tại các tỉnh biên giới Tây Nam giáp giới với Campuchia và Lào tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa để kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm.
Các đối tượng này đều có thâm niên thực hiện các hành vi phi pháp, lợi dụng kẽ hở pháp luật để vô hiệu hóa các nỗ lực của các cơ quan chức năng. Giai đoạn vừa qua, các đối tượng này đã lộ diện và hầu như nằm trong số các doanh nghiệp nhập khẩu đường từ Campuchia và nhập khẩu đường từ Lào đang có nghi vấn khai khống giá nhập khẩu, khối lượng nhập khẩu và rửa tiền.
Do đó, Hiệp hội mía đường kiến nghị chỉ đạo lực lượng chức tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý mặt hàng đường trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu.
Đồng thời, giám sát hoạt động thương mại phân phối đường trên thị trường, tập trung vào một số giới hạn các cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động của các đầu nậu phân phối đường lậu (danh sách đối tượng này VSSA đã gửi các cơ quan chức năng).
Ngoài ra, chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về công tác quản lý, chế tài xử lý đối với hành vi gian lận thương mại mặt hàng đường để bịt kín các kẽ hở pháp luật, không để các đối tượng lợi dụng.