Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. |
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo; qua đó khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu; Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp; Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm; Xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; Việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, một số vấn đề khác cần được quan tâm, báo cáo làm rõ như về năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam, số lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng, khó đạt được mục tiêu đề ra; việc đấu thầu mua sắm tài sản công gây thiệt hại nguồn vốn NSNN; kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra, kiểm toán nhà nước; những chuyển biến trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 |
Về thị trường tài chính tiền tệ, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là tới tiềm lực dự trữ ngoại hối và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác.
Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ nguyên nhân của nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng gia tăng (đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41%); Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro...
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm như: Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công; phối hợp linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô phù hợp và được chủ động điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phục hồi nền kinh tế. Bố trí nguồn lực, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cần thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 61/2022/QH15 tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030. Sớm ban hành quy hoạch điện VIII để có căn cứ triển khai các dự án điện, tạo năng lực sản xuất trong trung và dài hạn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: |
Tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định: Năm 2022, Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành đã thực hiện các giải pháp, trong đó có nhiều nội dung Quốc hội đã chủ động, kịp thời cùng với Chính phủ thực hiện giải quyết những vẫn đề cấp bách trong đời sống, kinh tế-xã hội. Ví dụ Quốc hội đã cùng với Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Có được kết quả này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá rất cao sự nỗ lực các Bộ ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì trong Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn về một số vấn đề còn khó khăn, tồn tại cũng như một số vấn đề cần thực hiện, giải quyết. Ví dụ như Quốc hội cần đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành; chương trình Mục tiêu quốc gia vẫn còn triển khai chậm; tình trạng cháy nổ nghiêm trọng; một số vấn đề lớn liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tình trạng nghỉ việc trong công chức, viên chức có dấu hiệu cảnh báo… Đó là những vấn đề người dân hết sức quan tâm nên cần được đưa vào trong Báo cáo của Chính phủ.
Đề cập về phương hướng giải quyết, giải pháp đưa ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, mỗi nội dung, vấn đề cần tìm nguyên nhân vì đâu để có giải pháp cụ thể giải quyết nhằm tạo được sự thay đổi thực chất, hiệu quả.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu thảo luận |
Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng nội dung này đã được Hội nghị Trung ương vừa qua thảo luận, có đánh giá góp ý vào các báo cáo để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay cho ý kiến, đồng thời bày tỏ đồng tình cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban.
Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần nêu ra kết quả của chúng ta đạt được trong hoàn cảnh như thế nào? Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta đã rất nỗ lực để đạt được kết quả ấn tượng trong 9 tháng năm 2022. Các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tạo điều kiện, mở đường để đồng hành cùng Chính phủ ban hành các Nghị quyết khác với quy định của pháp luật. Đây là quyết định có tính chất nhạy bén, có tính chất mở đường, có ý nghĩa lịch sử, chưa từng có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội. Đây là nguyên nhân và hoàn cảnh chúng ta cần nhấn mạnh trong Báo cáo.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các báo cáo thẩm tra của Quốc hội cần đánh giá sự đồng hành, sự vào cuộc nhạy bén, quyết liệt của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào sự điều hành phát triển kinh tế - xã hội....
Mặc dù Việt Nam được quốc tế đánh giá rất ấn tượng bởi sự tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát được kiểm soát hợp lý, qua đó nói lên sức mạnh nội sinh và kết quả của các lĩnh vực đã được thể hiện trong báo cáo, tuy nhiên Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần lưu ý một số vấn đề cho năm 2023, phấn khởi nhưng không chủ quan. Đó là các yếu tố rủi ro suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính thế giới vẫn đang hiện hữu như dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, nguy cơ dịch đậu mùa khỉ, bất ổn thương mại, thị trường tài chính toàn cầu, thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng thế giới, nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực, rủi ro nghĩa vụ nơ quốc gia do ảnh hưởng của lãi suất và tỉ giá của các nước trên thế giới và trong nước.
Lạm phát tuy được kiểm soát tốt 9 tháng, nhưng là quốc gia có độ mở thương mại cao trên thế giới, do vậy luôn có độ trễ lạm phát so với các nước trên thế giới khoảng 6 tháng. Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị lưu ý độ trễ cùng kỳ của giai đoạn trước về vấn đề lạm phát.
Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, qua nghiên cứu số liệu, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, vẫn còn dư địa để tăng tốc độ phát triển kinh tế cuối năm 2022: Đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đầu tư công, lĩnh vực xuất khẩu cũng có nhiều lợi thế theo kết quả 9 tháng, vẫn còn dư địa cho lĩnh vực xuất khẩu. Do vậy, Trưởng Ban Công tác địa biểu đồng tình với các giải pháp của Chính phủ và 8 điểm nhấn trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế.
Các đại biểu tham dự Phiên họp |
Thời gian tới, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần tiếp tục kiên trì lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững để làm căn cứ đưa ra định hướng chính sách, không vì mục tiêu tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô. Vì ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn.
Cần tính toán đo lường kịch bản lạm phát để có các giải pháp phù hợp, thích ứng lạm phát thấp sẽ giúp ổn định giá trị đồng tiền nội tệ, duy trì tỉ giá phù hợp, tránh biến dộng lớn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo duy trì cán cân thương mại và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt.
Liên quan đến sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cần phải quan tâm đến tỉ lệ tăng trưởng tín dụng hợp lý và an toàn theo hướng thận trọng và hiệu quả, đặc biệt cần chú trọng chất lượng tín dụng, dẫn dắt nguồn tín dụng vào sản xuất và xuất khẩu.
Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ và thủ tục để thực hiện tốt nhất giải ngân đầu tư công để tạo động lực, tạo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó cần quan tâm đầu tư danh mục xây dựng hạ tầng chiến lược, cơ sở vật chất và công nghệ số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Cho rằng trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra chưa nhấn mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết vùng mà Bộ Chính trị đã ban hành và triển khai, tới đây cuối năm sẽ triển khai hết các Nghị quyết vùng, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh hơn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển vùng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn chiến lược tổng thể ngành du lịch Việt Nam, việc khai thác trở lại lĩnh vực du lịch sẽ kích thích các ngành dịch vụ, tiêu dùng và các lĩnh vực liên quan, qua đó tăng GDP của cả nước.
Về lĩnh vực giáo dục, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần tiếp tục theo dõi, đánh giá sát chất lượng giáo dục tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 trong ba năm qua, đồng thời theo dõi và đánh giá sức khỏe của lứa tuổi này trong ba năm dịch bệnh vừa qua.