Giá gạo Nhật Bản tăng vọt, gạo Việt sẽ có cơ hội? Phải từ quý II/2025 mới xác định xu hướng ổn định của giá gạo Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ, vượt qua Ấn Độ |
![]() |
Khách hàng truyền thống tăng nhập, giá gạo Việt lại đứng đầu thế giới. |
Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu gạo 100% tấm của Việt Nam ở mức 317 USD/tấn; 25% tấm đang đứng ở mức 370 USD/tấn; gạo xuất khẩu 5% ở mức 397 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ đứng ở mức thấp hơn là đạt 395 USD/tấn, 387 USD/tấn và 376 USD/tấn.
Giá lúa gạo đang có xu hướng tăng, đặc biệt là các mặt hàng gạo thơm chất lượng cao. Theo các doanh nghiệp, do vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm đã kết thúc nên lượng hàng hóa ít. Ngược lại các khách hàng truyền thống, đặc biệt là Philippines và các nước châu Phi đang có nhu cầu cao.
Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thông tin: Giá nguyên liệu gạo ST25 đang ở mức 25.000 đồng/kg, tăng đến 6.000 đồng/kg so với tháng trước. Do đó, giá gạo xuất khẩu lên đến 1.200 USD/tấn (giá FOB tại cảng TP.HCM). Nguyên nhân do vụ đông xuân vừa qua sản lượng lúa ST25 ít, nhu cầu nội địa với mặt hàng này rất cao. Bên cạnh đó, các mặt hàng gạo thơm cũng tăng mạnh so với trước như OM 5451 giá 530 USD/tấn, ĐT8 là 540 USD/tấn…
Ngoài ra, nhu cầu gạo từ các đối tác lớn của Việt Nam vẫn rất cao.
Những năm qua, Philippines liên tục lập kỷ lục về nhập khẩu gạo. Năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 lượng gạo nhập khẩu của Philippines lần lượt 3,256 triệu tấn, 2,662 triệu tấn, 2,988 triệu tấn, 3,788 triệu tấn, và 3,932 triệu tấn.
Năm 2024, sau khi Sắc lệnh cắt giảm thuế nhập khẩu gạo có hiệu lực từ 35% xuống còn 15%, thì lượng nhập khẩu gạo của quốc gia này đạt 4,68 triệu tấn - mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Dự báo, năm 2025, tổng lượng gạo nhập khẩu từ nước này có thể đạt 4,92 triệu tấn, thậm chí vượt 5 triệu tấn.
Trong cơ cấu nhập khẩu này, gạo Việt Nam xuất sang Philippines chiếm vị trí số 1 với thị phần thường xuyên duy trì khoảng từ 80% đến 85%; bỏ xa các đối thủ như Thái Lan khoảng 10%, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nhật Bản...
Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, năm 2025, Philippines tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn, và gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines.
So với các quốc gia xuất khẩu gạo khác vào Philippines như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Nhật Bản… thì gạo Việt Nam đang có những lợi thế nhất định tại thị trường Philippines.
Và dù muốn hay không, trong thời gian tới, Philippines vẫn phụ thuộc vào nguồn cung gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức khi Ấn Độ vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm - quay lại thị trường Philippines với giá hấp dẫn, trong khi đó, thị trường Thái Lan lại tích cực xúc tiến thương mại, chào giá cạnh tranh; và Campuchia đã ký thỏa thuận cung ứng dài hạn với Chính phủ Philippines...
Trong báo cáo về thị trường ngũ cốc tháng 4/2025 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông tin, nhu cầu mua gạo tăng mạnh từ châu Phi đặc biệt là các nước cận sa mạc Sahara. Do vậy, trong năm 2025 châu Phi sẽ vượt qua khu vực Đông Nam Á để trở thành những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Nhu cầu tiêu thụ gạo trên khắp lục địa châu Phi và khu vực cận sa mạc Sahara tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua. Trong 2 năm gần đây, châu lục này giảm nhập gạo do giá tăng quá cao vì Ấn Độ cấm xuất khẩu. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo thế giới hạ nhiệt là cơ hội để các quốc gia châu Phi tăng nhập khẩu gạo.
Trong đó, nhiều nhà nhập khẩu gạo lớn ở châu Phi lại là khách hàng truyền thống của Việt Nam. Trong đó, Bờ Biển Ngà là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều thứ 2 ở châu Phi với 1,8 triệu tấn. Nhiều năm trước, nước này luôn nằm trong nhóm những nước mua gạo nhiều nhất của Việt Nam.
Ưu tiên phát triển các giống lúa chất lượng cao
![]() |
Để đối phó với những khó khăn hiện tại và duy trì phát triển bền vững ngành sản xuất lúa gạo trong tương lai cần cải thiện cơ cấu sản xuất và chất lượng sản phẩm, trong đó tiếp tục chuyển mạnh hơn nữa sang các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao. |
Tại hội nghị về ổn định thị trường lúa gạo do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 4/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng để đối phó với những khó khăn hiện tại và duy trì phát triển bền vững ngành sản xuất lúa gạo trong tương lai cần cải thiện cơ cấu sản xuất và chất lượng sản phẩm, trong đó tiếp tục chuyển mạnh hơn nữa sang các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao.
Đặc biệt, đối với diện tích mở rộng và tăng vụ cần ưu tiên phát triển các giống lúa có chất lượng cao. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục triển khai Đề án 1triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nghiên cứu giống lúa chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu bệnh để đối phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng cần Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu gạo bền vững và thân thiện môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ: “Cùng với việc xây dựng thương hiệu, chúng ta cần chú trọng phát triển các thị trường khó tính nhưng tiềm năng như Nhật Bản, EU và Mỹ. Những thị trường này dù giá trị xuất khẩu chưa lớn nhưng rất ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường thế giới.”
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An khẳng định, gạo Việt Nam có phân khúc riêng, chúng ta không sợ Ấn Độ xả gạo, đừng lo lúa gạo Việt Nam có bán được hay không.
Ông nhấn mạnh, cốt lõi nhất là liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thì lúa gạo Việt Nam sẽ không còn tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như hiện nay khi người dân yên tâm sản xuất vì đã được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, ngân hàng thì sẵn sàng giải ngân.
Theo ông, lời giải cho bài toán này đã có, đó là Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030," được Thủ tướng phê duyệt cuối năm 2023.
Trong Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025 về việc điều hành đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu về dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung nghiên cứu, cải thiện cơ cấu sản xuất và chất lượng sản phẩm, tập trung vào các giống lúa có chất lượng và giá trị cao, các giống lúa đặc sản; ứng dụng công nghệ hiện đại, đầu tư nghiên cứu và nhân giống, phát triển các giống lúa có khả năng chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu bệnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà là cả một hành trình dài đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các bên liên quan. Từ người nông dân trên đồng ruộng, doanh nghiệp thu mua đến nhà quản lý – tất cả phải chung tay để xây dựng một nền sản xuất lúa gạo hiện đại, bền vững, vươn xa trên thị trường thế giới. Hạt gạo Việt không chỉ là nguồn sống cho hàng triệu người mà còn là niềm tự hào của dân tộc, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ lương thực toàn cầu.
![]() |
![]() |
![]() |