Hệ thống kênh tưới Thượng Sơn có tổng mức đầu tư 432 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp và vốn đối ứng của tỉnh Bình Định. Quy mô công trình gồm đập dâng đầu mối và 63km kênh, lấy nước từ kênh xả của thủy điện An Khê - Ka Nát phục vụ tưới cho 3.632ha đất sản xuất nông nghiệp của 7 xã, thị trấn phía Nam sông Kôn thuộc huyện Tây Sơn, gồm: Tây Xuân, Tây Phú, Tây Giang, Bình Tường, Tây Thuận, Bình Nghi, Vĩnh An và thị trấn Phú Phong.
Cuối năm 2020, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án gồm 17km kênh chính và 22km kênh nhánh, đảm bảo cấp đủ nước tưới cho 1.768ha đất canh tác ở các xã Tây Thuận, Tây Giang, Bình Tường và Vĩnh An.
Nông dân sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX NN Thượng Giang (Tây Giang) cho biết, vụ Hè thu năm 2023, xã Tây Giang tiếp tục đưa vào gieo sạ trên 336 ha cây lúa, trên 20ha cây đậu phộng, gần 5ha cây mè; đây là vụ sản xuất thứ 3 nông dân trong xã không còn lo âu về nguồn nước tưới.
Bởi từ khi kênh tưới Thượng Sơn chính thức đưa vào vận hành, dẫn nước về nông dân không chỉ sản xuất được 2 vụ lúa ăn chắc, mà những vùng đất gò đồi cũng được hưởng lợi.
![]() |
Nhờ có kênh tưới nên diện tích lúa nước được mở rộng. |
Anh Nguyễn Trung Trực (trú xã Tây Giang), chia sẻ: "Trước đây, mỗi năm vào vụ hè thu ruộng lúa của gia đình anh và những người trong thôn chỉ sử dụng nước ở các ao, hồ và nước trời. Để có được nước tưới người dân phải thức trắng đêm mà có khi không dẫn được nước, vì nước chưa về đến ruộng thì đã bị thất thoát ở dọc đường. Năm nào có mưa thì nông dân còn có gạo để ăn, năm nào nắng gắt thì nông dân đành cắt lúa non cho bò ăn hoạc phải bỏ ruộng hoang. Nay nông dân chúng tôi không còn vất vả để đi dẫn nước, mà nước được đưa về tận ruộng lúa, đảm bảo không còn thiếu nước tưới."
"Đất chết" hồi sinh
Anh Võ Xuân Hùng (trú xã Tây Giang), phấn khởi cho hay: "Những năm trước đây, mỗi khi cứ vào mùa nắng nóng gia đình ông rất vất vả để tìm nguồn nước tưới cho vườn cây ăn trái và một số cây hoa màu. Từ khi có kênh tưới Thượng Sơn đến nay gia đình anh tiếp tục đầu tư hơn 300 cây bưởi hơn 200 cây chuối. Đồng thời, trồng luân phiên một số cây ngắn ngày với hơn 1ha. Gời đây không phải đi tìm nước để bơm tưới cho vườn cây, mà nay chỉ cần xả van là nước chảy tới nơi. Giờ đây, gia đình tôi đỡ tốn chi phí bơm nước tưới cho vườn cây mà năng suất còn được đảm bảo”.
![]() |
Kênh tưới Thượng Sơn có tổng mức đầu tư 432 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp và vốn đối ứng của tỉnh Bình Định. |
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Ven -Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết, UBND xã tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT trong trồng trọt; tuyên truyền vận động nông dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới.
Đồng thời, tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình trồng trọt hiệu quả để nhân rộng, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân ở địa phương.
Hiện tại, nông dân các xã phía năm huyện Tây Sơn không chỉ trồng cây lúa, cây ăn trái… mà tất cả các diện tích gò đồi trước kia bị bỏ hoang cũng được nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang làm trang trại tổng hợp.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích cũng chuyển sang trồng cây đậu phộng, trồng cây mè, không chỉ cho năng suất cao, mà còn thu nhập khá ổn định. Đây cũng là nguồn nguyên liệu chính để cung cấp cho việc chế biến sản phẩm OCOP 3 sao “Dầu đậu phộng” và “Dầu mè” của HTXNN Thượng Giang.