Giá vàng ít biến động, “ngóng” những tín hiệu cắt giảm lãi suất từ Fed Liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển lượng lớn chân gà không rõ nguồn gốc Nhiều ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất huy động |
Các ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất. |
Theo khảo sát, hơn 10 ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất từ 0,1% đến 0,9%, áp đảo số ít đơn vị giảm trong tháng qua. Trong đó, có các nhà băng tư nhân lớn như VPBank, Techcombank, ACB, Sacombank, TPBank, SHB.
Cụ thể, VPBank tăng 0,5% ở kỳ hạn 1 tháng và 0,2% kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. ACB, SHB tăng 0,1-0,4% ở tất cả kỳ hạn. Techcombank, TPBank tăng 0,2-0,4% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Sacombank là nhà băng lớn điều chỉnh mạnh nhất trong nhóm này khi tăng tới 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng và 0,5-0,6% cho kỳ hạn 9-12 tháng.
Đợt tăng lãi suất cũng ghi nhận tại một vài nhà băng top dưới như DongABank, CBBank, Saigonbank, BaoVietBank sau thời gian dài giữ nguyên. Trong đó, DongABank tăng mạnh tới 0,9% ở hầu hết kỳ hạn. Ngoài ra, nhà băng ngoại CIMB cũng điều chỉnh biểu lãi suất đợt này.
Tuy nhiên, tháng qua cũng ghi nhận một vài nhà băng top dưới điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm sau các đợt tăng trước đó, như SeABank, BacABank.
Hiện, ngoài ABBank đang yết lãi suất 6,2% cao nhất hệ thống cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, một số nhà băng khác như BaoVietBank, BVBank, NCB, HDBank cũng trả lãi suất 6% nhưng với các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơi hơn 15-24 tháng.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5% một năm, hiện lên 6,2% một năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều hơn gấp đôi, từ 12 lên 29 đơn vị.
Tính đến hết quý II, số dư tiền gửi của phần lớn ngân hàng tăng thấp hơn cùng kỳ trong bối cảnh giải ngân tín dụng hạn chế. Thậm chí, 4 nhà băng như Vietcombank, TPBank, ABBank và VietABank ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với đầu năm.
Các đợt tăng lãi suất thời gian qua theo lãnh đạo ngân hàng nhằm chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng dự kiến ấm lên nửa cuối năm. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhìn chung vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.
Vì sao các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất?
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lý giải, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng do những động thái can thiệp ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
KBSV cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7 - 1,0 điểm % từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021 do áp lực từ tỷ giá và cầu tín dụng hồi phục.
Trong đó, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nguyên nhân khiến lãi suất tăng đến từ 3 yếu tố: lạm phát, tỷ giá, giá vàng.
"Tuy nhiên, mức tăng lãi suất huy động 2 tháng qua chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ," vị chuyên gia này nhận định.
Lãi suất sẽ có sự phụ thuộc rất lớn vào định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước để cân bằng các mục tiêu thúc đẩy kinh tế, ổn định tỷ giá và ổn định lạm phát. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng. Thế nên, vị chuyên gia này nhận định, lãi suất cho vay sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ - một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng của tỷ giá và chính sách lãi suất.