Hội thảo là diễn đàn học thuật thảo luận về các vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.
Với chủ đề "Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số", nội dung Hội thảo tập trung vào 03 chủ đề cơ bản, cụ thể:
Chủ đề 1: Truyền thông trong bối cảnh công nghệ số.
Chủ đề 2: Thực trạng vấn đề giới trên báo chí, truyền thông.
Chủ đề 3: Một số vấn đề khác liên quan đến chủ đề Hội thảo (trên các góc độ pháp luật, đạo đức, văn hóa, thực hành…).
Tiến sỹ Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới... |
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng.
Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông.
Tại đây đã có hơn 80 đề xuất viết bài đến từ: Nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế; giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; các nhà quản lý, hoạt động xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông.... được gửi đến Hội thảo.
Qua quá trình phản biện, Ban Tổ chức (BTC) đã lựa chọn và thông qua 37 tham luận đạt chất lượng, chuẩn về tính khoa học, tính lý luận và giá trị thực tiễn, được chọn in trên Kỷ yếu khoa học có chỉ số ISBN (International Standard Book Number - Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách).
Ths. Nguyễn Vân Anh phát biểu tại hội thảo |
Tại Hội thảo, Ths. Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phát biểu và nhấn mạnh tác động của công nghệ số với hiệu quả truyền thông.
Hội thảo còn diễn ra tham luận với 6 chủ đề chính, tập trung về: Vai trò của báo chí, truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường số; Dục hóa cơ thể nữa giới trong truyền thông thương mại và giải trí; Đánh giá vấn đề giới trên truyền thông trong đại dịch Covid - soi chiếu qua phân tích Moser;
Phim truyền hình "Anh có phải đàm ông không" và những góc nhìn về định kiến nam giới; Sách minh hoạt kỹ thuật số dành riêng cho thiếu nhi, một phương tiện truyền thông về bình đẳng giới trong thời đại công nghệ số; "Phụ nữ tùng thư" và sự tiếp nhận của giới trẻ đối với tủ sách thông qua kênh truyền thông mạng xã hội Facebook.
Hội thảo diễn ra tham luận với 6 chủ đề chính |
Theo các chuyên gia, Hội thảo Khoa học lần này được xem là một diễn đàn khoa học có ý nghĩa đặc biệt trong việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới.
Không những thế, báo chí, truyền thông cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp.
Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp, cán bộ nữ cho hệ thống chính trị; tham gia đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao (đại học, sau đại học), có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội; Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để tham mưu cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ; đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ, bình đẳng giới và nghiên cứu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) là một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền cho nhóm phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi kỳ thị và bạo lực tại Việt Nam. Với phương châm “Hành động - chuyển đổi - kết nối - đa dạng và hòa nhập”, các hoạt động của CSAGA luôn dựa trên quyền con người của phụ nữ và trẻ em; sử dụng Lý thuyết thay đổi để giải quyết các vấn đề giới, sử dụng nghệ thuật trong phát triển, Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt. |