Các đại biểu, các nhà khoa học chụp hình lưu niệm tại Hội thảo khoa học “Số hoá trong nghiên cứu cơ bản & ứng dụng và công nghệ hóa học”. |
Hội thảo có sự tham gia phối hợp tổ chức của Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS), Hội Hóa lý thuyết và Hóa tin Việt Nam (VATCC), Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế và các cơ sở giáo dục uy tín trong nước như Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Trường Đại học Duy Tân; Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Công ty Vina Link Group…
Hội thảo quy tụ gần 150 nhà khoa học, giảng viên đại học, giáo viên Hóa học phổ thông tham dự trực tiếp và bao gồm tổng cộng 7 báo cáo toàn thể của 7 nhà khoa học đến từ mọi miền của đất nước. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khắp mọi miền của tổ quốc có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về nghiên cứu khoa học.
Hội thảo tập trung giải quyết một số vấn đề như: Ứng dụng số hóa trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; Các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn và phục vụ cộng đồng.
PGS.TS Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm phát biểu tại khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu tại khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm cho biết, Trường Đại học Sư phạm, ĐH Huế với truyền thống 65 năm xây dựng & phát triển hiện đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong ba trường ĐHSP trọng điểm quốc gia của cả nước. Một trong những chiến lược phát triển là thúc đẩy quá trình số hóa và chuyển đổi số trong các hoạt động, chuyển đổi từ hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật, công nghệ số nhằm tạo ra các giá trị mới, trải nghiệm mới tiện lợi và hiệu quả hơn.
Mô hình đại học số dần dần khẳng định vị trí, trở thành thói quen trong giảng dạy, triển khai công việc và gặp gỡ online với hầu hết các hoạt động của Nhà trường. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề "Số hóa trong nghiên cứu cơ bản & ứng dụng và công nghệ Hóa học" ở Trường ĐHSP Huế là hoạt động thiết thực, góp phần vào sự phát triển chung của nhà trường cũng như công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Nếu như trước đây Hóa học được xem là ngành khoa học thực nghiệm thuần túy thì ngày nay là sự kết hợp giữa thực nghiệm và tính toán lý thuyết. Tính toán lý thuyết không những để kiểm chứng lại các quy tắc, quy luật mà quan trọng hơn là cho phép tiên đoán những hiện tượng mới, tính chất mới, phản ứng mới có độ chính xác cao, từ đó giúp các nhà thực nghiệm tiết kiệm được thời gian và công sức.
Giải Nobel Hóa học 2013 được trao cho ba nhà Hóa học phân tử vì đã sử dụng các chương trình tính toán để làm sáng tỏ cấu trúc các hợp chất phức tạp, giúp con người hiểu và dự đoán được các quy trình Hóa học là một minh chứng cho sức mạnh của tính toán lý thuyết.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên và sinh viên tham gia. |
Hiện nay với sự xuất hiện của các hệ thống máy tính hiệu năng cao đã hỗ trợ rất nhiều cho việc tính toán nhanh hơn, chính xác hơn, mở ra hướng nghiên cứu mới trong Hóa học. Hòa nhịp cùng các nghiên cứu tính toán tiên phong trên thế giới, các nhà Hóa học Việt Nam đã rất năng động tiếp cận hướng nghiên cứu này, sử dụng các phương pháp tính lượng tử như phiến hàm mật độ (DFT), gắn kết phân tử (molecular docking) để khám phá thuốc điều trị ung thư, thuốc chống oxi hóa, hoặc thuốc ức chế virus SARS-CoV-2, … Những kết quả thu được rất hứa hẹn.
Ngày nay, khoa học và công nghệ nano là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành rất hấp dẫn với đối tượng là vật chất ở kích thước nanomét. Ở kích thước này, nhờ diện tích bề mặt được tăng lên đáng kể và sự xuất hiện các hiệu ứng lượng tử nên vật liệu nano có những tính chất quang học, từ tính, điện học rất độc đáo và mới lạ, khác hoàn toàn với cũng vật liệu đó nhưng ở dạng khối thông thường.
Với sự hỗ trợ đắc lực của các công cụ nghiên cứu hiện đại như kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM), kính hiển vi điện tử quét (SEM) hay kính hiển vi lực nguyên tử (AFM), các nhà Hóa học có thể xây dựng và điều khiển đến từng phân tử, giúp con người có những hiểu biết mới ở thế giới kích thước nano.
Hiện nay, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư vào khoa học và công nghệ nano nhằm tạo ra những vật liệu nano có ứng dụng thiết thực trong đời sống. Trong công nghiệp, vật liệu nano giúp thu nhỏ các linh kiện, tạo ra những hệ thống nhẹ nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Những thuật ngữ ngày nay đã trở thành phổ biến như tiến trình 4 nm, 2 nm trong sản xuất chip bán dẫn cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn của công nghệ nano đến ngành công nghiệp then chốt này.
Giám đốc Đại học Huế (thứ 2 từ phải qua) tặng hoa cho các đại biểu. |
Trong lĩnh vực y sinh, việc ứng dụng vật liệu nano đã tạo ra những phương pháp mới, loại thuốc mới để điều trị ung thư hiệu quả hơn nhưng giảm tối đa tác dụng phụ. Vật liệu nano cũng giúp giải quyết những vấn đề lớn của môi trường như xử lý chất thải hiệu quả hơn, hay tạo ra những sản phẩm tiết kiệm và sử dụng tài nguyên ít hơn, làm giảm khối lượng chất thải và khí thải.
Ở Việt Nam, nghiên cứu về vật liệu nano ngày càng thu hút được chú ý không những của các nhà Hóa học mà còn Vật lí học, Vật liệu học, Y học. Mặc dù còn nhiều khó khăn về đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại nhưng đã có những nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu nano, bước đầu tạo ra những nền tảng tri thức tương đối vững chắc cũng như tạo ra những sản phẩm sử dụng công nghệ nano.
Tuy vậy, so với thế giới thì chúng ta vẫn đang đi sau, vì vậy rất cần sự nỗ lực to lớn của các nhà khoa học cũng như sự quan tâm hơn nữa của các nhà quản lý vào lĩnh vực nano vốn rất sôi động và có nhiều ứng dụng thiết thực.
Ông Phương nhấn mạnh “Tôi hy vọng rằng, các nhà khoa học sẽ tiếp tục có những công trình nghiên cứu ý nghĩa, có sức ảnh hưởng lớn để góp phần vào sự phát triển của hóa học nước nhà cũng như sự thành công của công cuộc chuyển đổi số hiện nay” –
Các báo cáo tập trung vào những vấn đề lớn của hội thảo và có tính thời sự như: Ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai và quản lý thực phẩm chức năng; Nghiên cứu sàng lọc, tìm kiếm nhanh các hoạt chất tiềm năng ức chế thụ thể Main Protease của virus SARS-CoV-2; liệu pháp ung thư quang động lực dựa trên hạt nano phát quang ngược kích hoạt bằng ánh sáng cận hồng ngoại.
Kết quả của Hội thảo đóng góp vào việc ứng dụng số hóa để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đưa ra các giải pháp chuyển giao công nghệ các kết quả nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn đời sống.