Giá cà phê hôm nay tiếp tục tăng
Giá cà phê hôm nay (28/3) giá cà phê trong nước tiếp tục tăng tại một số địa phương so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 98.200 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 98.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 98.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 98.600 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 98.600 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 98.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 98.400 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 98.400 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 tăng 94 USD/tấn, ở mức 3.559 USD/tấn, giao tháng 7/2024 tăng 92 USD/tấn, ở mức 3.467 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 2,6cent/lb, ở mức 190,65 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 2,65 cent/lb, ở mức 189,9 cent/lb.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết phiên 25/3, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục tăng thêm lần lượt là 1,29% với giá Arabica và 1,4% với giá Robusta. Lo ngại rủi ro nguồn cung trên thị trường là yếu tố hỗ trợ giá Arabica trong phiên hôm qua.
Trong báo cáo kết phiên 25/3, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp tục được bổ sung thêm gần 9.000 bao loại 60kg, nâng tổng lượng Arabica đang lưu trữ lên ngưỡng cao nhất trong hơn 9 tháng, đạt 577.023 bao.
Dù vậy, lượng cà phê chờ phân loại để bổ sung vào kho dự trữ của ICE liên tục ghi sụt giảm trong gần hai tuần qua, về khoảng 80.000 bao. Điều này có thể kìm hãm khả năng mở rộng dư lượng cho dữ liệu tồn kho trong thời gian tới.
Với Robusta, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) ước tính lượng cà phê xuất đi trong niên vụ 2023/24 của nước ta giảm 20% so với niên vụ trước, xuống 1,336 triệu tấn. Sản lượng sụt giảm sau khi đối mặt với thời tiết khô hạn. Những tín hiệu kém tích cực này góp phần gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo chỉ khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn thấp hơn so với 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022/2023 trước đó. Thông tin trên đã thúc đẩy giá cà phê Robusta kỳ hạn sàn London thiết lập mức kỷ lục mới, lôi kéo Arabica quay trở lại xu hướng tăng.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) Lê Đức Huy nhận định, hiện nay đơn vị chỉ nhận thêm đơn hàng nếu có dấu hiệu tích cực từ nguồn cung từ người nông dân.
Tuy nhiên, số lượng cà phê tích trữ trong dân đã bắt đầu cạn, khan hiếm. Xét trên tình hình thời tiết chuyển biến bất lợi cho cây trồng, dự báo vụ mùa sắp tới sản lượng sẽ giảm dẫn đến nguồn cung khan hiếm, đây là mối lo lớn nhất của doanh nghiệp.
Chuyên gia cho rằng, với giá cà phê đang ở mức tốt như hiện nay thì người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, thu nhập tăng cao. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các bên thì rất cần sự chia sẻ của bà con nông dân đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê để nông sản địa phương vừa có đầu ra, vừa phát triển ổn định.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, với giá cà phê đang ở mức tốt như hiện nay thì người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, thu nhập tăng cao. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các bên thì rất cần sự chia sẻ của bà con nông dân đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê để nông sản địa phương vừa có đầu ra, vừa phát triển ổn định.
Thị trường cà phê đang ở trong giai đoạn sốt giá, tập trung vào Robusta – loại cà phê mà Việt Nam là nhà cung cấp số 1 cho toàn cầu. Giá cà phê trong nước tăng nhanh đột biến hiện nay là do sản lượng Robusta bị hụt gần 20%, một phần vì ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động mạnh của hiện tượng El Nino.
Qua từng năm, các nhà máy chế biến cà phê trên thế giới ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Robusta của Việt Nam. Thế nhưng, họ lại quen với việc định giá thấp để có lợi nhuận cao.
Cà phê Robusta là sản phẩm được tiêu dùng trên toàn cầu, thậm chí với nhiều người còn là hàng thiết yếu không thể bỏ. Nhưng với nông dân, nếu trồng cà phê không có lời, họ sẵn sàng bỏ – lúc đó sẽ là sự đe dọa về nguồn cung cho thế giới. Năm nay, Tây Nguyên hạn hán, tương lai thiếu hụt cà phê Robusta nghiêm trọng vẫn còn ở phía trước.
Sản lượng cà phê Robusta giảm mạnh gần 2 triệu bao tại Việt Nam, là một trong những nguyên nhân đẩy giá tăng. Nhưng sản lượng cà phê Robusta ở nhiều nguồn cung khác như Ấn Độ, Indonesia... cũng giảm mạnh trong năm nay.
Cà phê Robusta Việt Nam đang ở "cơ hội vàng" để xây dựng thương hiệu quốc gia khi có đủ các yếu tố như chất lượng cao, giá trị tốt, sản lượng khiêm tốn. Giới phân tích cho rằng, qua từng năm, các nhà máy chế biến cà phê trên thế giới ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Robusta của Việt Nam, thế nhưng, họ lại quen với việc định giá thấp để có lợi nhuận cao. Trong khi đó, dự báo, tương lai thiếu hụt cà phê Robusta nghiêm trọng vẫn còn ở phía trước, hết thời cà phê nguyên liệu giá rẻ.
Giá tiêu hôm nay tiếp tục đi ngang
Giá tiêu hôm nay (28/3), tiếp tục đi ngang tại các tỉnh thành trọng điểm, hiện tại đang dao động trong khoảng 92.500 - 96.000 đồng/kg.
Cụ thể, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vẫn duy trì giao dịch ở mức cao nhất là 96.000 đồng/kg.
Theo sau đó là hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, lần lượt neo ở mức 95.000 đồng/kg và 95.500 đồng/kg. Thương lái tại Gia Lai và Đồng nai vẫn đang thu mua hồ tiêu với giá thấp nhất là 92.500 đồng/kg.
Giá hồ tiêu hiện tại đang dao động trong khoảng 92.500 - 96.000 đồng/kg.
Suốt từ đầu tháng 3 đến nay, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa duy trì ở mức cao, hiện quanh mức 96.000 đồng/kg khiến người trồng phấn khởi. So với cuối tháng 2/2024, giá hạt tiêu đen tăng khoảng 3% (tùy từng khu vực). Với mức giá hiện nay cùng với những dự báo về việc thiếu hụt nguồn cung, trên các diễn đàn, người dân vẫn đang bảo nhau hạn chế bán tiêu để chờ đợi lúc giá cao. Chỉ những gia đình nào cần tiên thì mới bán tiêu nhưng với số lượng hạn chế.
Giá hạt tiêu được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Năm nay, thu hoạch diễn ra sớm do thời tiết nắng nóng đến sớm vì El Nino, dự kiến cuối tháng 3, hầu hết các địa phương sẽ kết thúc thu hoạch.
Sản lượng thu được thực tế thấp hơn dự kiến của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), ước chỉ được 140-150 nghìn tấn, giảm khoảng 10% so với niên vụ trước. Trong đó, tỉnh Đắk Nông và các vùng khác cơ bản đã thu hoạch xong, còn tỉnh Đắk Lắk đã thu hoạch được khoảng 40%.
VPSA dự báo sản lượng hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10 - 15% xuống còn 160.000 - 165.000 tấn; Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20 - 30% và Brazil giảm 15%.
Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch trong năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Do đó, lượng tồn kho năm 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nhận định về ngành hồ tiêu Việt Nam, VPSA cho rằng, bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu, đòi hỏi cả Hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân phải có sự chuẩn bị và ứng phó phù hợp.
Đặc biệt, trong năm 2023, EU ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR). Việt Nam xác định có nhiều mặt hàng chịu ảnh hưởng, trong đó có hồ tiêu.
Dù giá tiêu trên thị trường thế giới những ngày đầu năm 2024 trên đà tăng, xu hướng này có thể không ổn định. Nguyên nhân bởi mức giảm sản lượng của các cường quốc xuất khẩu hồ tiêu vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Trên thị trường thế giới, theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tiêu của Brazil đạt 11.938 tấn, trị giá 39,8 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,3% về lượng nhưng tăng 16,6% về trị giá. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng của Brazil tăng 23% lên 3.332 USD/tấn.
Việt Nam là nước nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Brazil trong 2 tháng đầu năm với khối lượng đạt 2.780 tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ và chiếm 23,3% thị phần. Tiêu Brazil được nhập khẩu vào Việt Nam để phục vụ cho hoạt động chế biến và tái xuất khẩu, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các nhà kinh doanh gia vị trên thế giới.