Giá cà phê hôm nay quay đầu giảm
Giá cà phê hôm nay (23/3), ghi nhận quay đầu giảm tại một số địa phương so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 94.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 94.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 94.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 94.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 94.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 94.600 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 94.500 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 94.600 đồng/kg.
Theo ghi nhận vào lúc 6h (giờ Việt Nam), giá cà phê trên thị trường thế giới tăng ở cả hai loại robusta và arabica.
Cụ thể, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 5/2024 được ghi nhận tại mức 3.414 USD/tấn sau khi tăng 0,86%. Giá cà phê arabica giao tháng 5/2024 tại New York ở mức 187,8 UScent/pound sau khi tăng 1,13%.
Người trồng cà phê tại nhiều địa phương đang rất phấn khởi khi thu hoạch được giá cao. Mặc dù vậy, với doanh nghiệp xuất khẩu, đây lại là năm kinh doanh buồn.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), cho biết, giá nguyên liệu cà phê tươi tăng từng ngày đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Luận, từ giữa tháng 6/2023, cà phê đã có dấu hiệu tăng giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, sau đó lên 50.000 đồng/kg. Mỗi lần thay đổi giá đều duy trì trong vài tháng. Nhưng sau Tết, giá tăng nhanh và cao bất thường. Khi giá nguyên liệu tăng cao, Meet More cũng như các nhà sản xuất, chế biến cà phê khác bị ảnh hưởng rất nhiều đến những đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó.
“Giá cà phê liên tục tăng cao. Đầu tháng 3, giá cà phê ở mức 86.000 đồng/kg, cách vài ngày đã lên 91.000 đồng/kg… Hiện nay giá là 95.000 đồng/kg. Giá tăng nhanh khiến doanh nghiệp trở tay không kịp”, ông Luận chia sẻ.
Thông thường, thời gian từ lúc ký hợp đồng đến lúc giao hàng khoảng 7 tháng. Thời điểm ký đơn hàng giá dao động quanh mốc 50.000 – 60.000 đồng/kg, song hiện nay giá đầu vào đã tăng lên 90.000 – 95.000 đồng/kg. Mặc dù vậy hiện nay doanh nghiệp cũng không thể tăng giá bán bởi tỷ giá tăng lên và cước phí vận chuyển logistics cũng tăng. “Nếu tăng thêm giá hàng hóa thì gần như sẽ không bán được hàng. Vì vậy doanh nghiệp phải cắt giảm toàn bộ lợi nhuận, thậm chí bù lỗ cho những đơn hàng lớn đã ký trước đó”, ông Luận nhấn mạnh và cho biết thêm hiện doanh nghiệp đang phải từ chối nhiều đơn hàng.
“Chúng tôi chỉ có thể mua nguyên liệu nhỏ giọt để hoàn thành đơn hàng. Từ đầu năm đến nay có nhiều đối tác ngoại đến mua hàng nhưng chúng tôi đều từ chối, vì nhận nhiều sẽ càng thêm lỗ, trừ khi đối tác chịu tăng giá. Doanh nghiệp đang cố gồng lỗ đến tháng 6/2024”, ông Luận lo lắng.
Mặt khác, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, giá cao nên người trồng găm hàng không bán. Thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ vì mua cao, bán thấp.
"Với giá cà phê nguyên liệu quanh 95.000 đồng/kg hiện nay, các công ty ước tính lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn cà phê sau chế biến. Con số này tăng lên hàng chục tỷ đồng nếu lượng hàng cần giao khoảng 1.000 tấn", ông Thông chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng với mức giá đạt đỉnh lịch sử như hiện nay, họ không mua được hàng, chưa kể một số nhà cung ứng không giao hàng do giá cả biến động.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) nhìn nhận, giá cà phê đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. "Chưa có năm nào giá cà phê ở mức trên 95.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu tích cực, thuận lợi cho người dân sau nhiều năm giá cà phê ở mức thấp"- ông Hải đánh giá.
Về nguyên nhân giá cà phê tăng, theo ông Hải: Thứ nhất, do tồn kho vụ 2022 – 2023 ở mức thấp. Ngay từ tháng 7/2023 doanh nghiệp đã thiếu hụt nguồn hàng. Việc thiếu hụt tiếp tục kéo sang niên vụ 2023 - 2024.
Thứ hai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.
Thứ ba, các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, đẩy giá cà phê lên cao. Cuối cùng là hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới đã chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.
Dự báo thị trường cà phê trong thời gian tới, ông Hải cho rằng, giá sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, ông Hải khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê phải theo dõi sát diễn biến thị trường và cân đối nguồn hàng. Nếu trước đây ký hợp đồng xuất khẩu kỳ hạn thì trong bối cảnh hiện nay, để giảm bớt rủi ro thua lỗ, doanh nghiệp xuất khẩu nên mua ngay bán ngay thay vì ký bán kỳ hạn như trước.
“Những ngày qua, giá cà phê tăng lên từng ngày. Nếu doanh nghiệp ký bán kỳ hạn thì không thể tránh khỏi thua lỗ”, ông Nguyễn Nam Hải nhìn nhận và cho biết thêm, trong thời gian tới hiệp hội sẽ tiếp tục họp với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê để cập nhật thông tin và đưa ra cảnh báo.
Giá tiêu hôm nay tăng trở lại 500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay (23/3), tăng trở lại 500 đồng/kg ở một vài nơi, hiện tại đang dao động trong khoảng 92.500 - 95.500 đồng/kg.
Cụ thể, Đắk Lắk và Đắk Nông cùng điều chỉnh giao dịch lên mức cao nhất là 95.500 đồng/kg.
Bà Rịa - Vũng Tàu nâng giá hồ tiêu lên mốc 95.000 đồng/kg.
Trong khi, thương lái tại Gia Lai và Đồng Nai tiếp tục thu mua hồ tiêu với giá không đổi là 92.500 đồng/kg.
Tỉnh Bình Phước vẫn neo tại mốc 94.500 đồng/kg.
Giá hồ tiêu hiện tại đang dao động trong khoảng 92.500 - 95.500 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước đã liên tục tăng kể từ tháng 12 năm ngoái đến nay. Tính đến ngày 18/3, giá tiêu đen tại các tỉnh Tây Nguyên dao động ở mức 93.500 – 95.500 đồng/kg, tăng 15 – 16% so với cuối năm ngoái và tăng 45 – 47% (30.000 đồng/kg) so với cùng kỳ (Biểu đồ 13). Như vậy, giá tiêu trong nước hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đang tích cực mua vào để thực hiện các đơn hàng giao ngay trong quý I/2024 tới các thị trường khác nhau như Mỹ, EU, châu Á và châu Phi.
Tuy nhiên, do giá tiêu tăng cao nên người nông dân có tâm lý giữ hàng chờ giá cao hơn. Mặt khác, năm nay số lượng hộ nông dân chịu tác động áp lực bán hàng ngày ít hơn nhiều so với các năm trước. Bởi đa số những người trồng hồ tiêu hiện nay trồng thêm sầu riêng, cà phê hoặc có những thu nhập khác.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết giá tiêu đang bước vào chu kỳ tăng. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, giá tiêu sẽ có một vài nhịp điều chỉnh xuống trước khi tăng trở lại.
Theo VPSA, khi giá tiêu tăng lên mức độ nào đó sẽ đạt đến điểm “bão hoà”, các thành phần tham gia thị trường đều hài lòng. Khi đó, giá tiêu sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên, việc chênh lệch cung - cầu có thể khiến giá tiêu tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguồn cung tiêu của Việt Nam và các nước lớn trên thế giới giảm khiến thị trường toàn cầu thâm hụt vài chục nghìn tấn tiêu.