Trang trại gây nuôi hươu sao của ông Bùi Quang Diệu. Ảnh: Đăng Lâm.
Tuyên truyền và ngăn chặn
Gia Lai là tỉnh thuộc vùng Bắc Tây Nguyên, có nhiều rừng núi, khu bảo tồn thiên nhiên, với nhiều chủng loại động vật hoang dã (ĐVHD) thuộc hàng quý hiếm. Một thời, việc săn bắt, vận chuyển, mua bán ĐVHD ở đây diễn ra khá phổ biến.
Tuy nhiên các năm gần đây, ngành Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, với chủ rừng quyết liệt ngăn chặn, tuyên truyền đến từng hộ dân sống gần rừng, nhằm ngăn chặn tình trạng nêu trên.
Ông Nguyễn Khắc Tâm - chuyên viên phòng Quản lý - Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai), cho biết: Hàng năm, Kiểm lâm Gia Lai đều có kế hoạch tuyên truyền về việc quản lý, bảo vệ và ngăn chặn tình trạng săn bắt ĐVHD. Kế hoạch được triển khai về các hạt kiểm lâm cấp huyện, đến chính quyền địa phương cấp huyện và xã, đến chủ rừng, thậm chí đến từng hộ dân sống gần rừng...
Nội dung chính trong công tác tuyên truyền là vận động nhân dân không tham gia săn bắt hoặc tiêu thụ ĐVHD; ngăn chặn hoặc báo cho cơ quan chức năng biết khi phát hiện có đối tượng săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD; không ăn thịt rừng quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên…
Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, với chủ rừng tăng cường tuần tra trinh sát, nắm thông tin để kịp thời ngăn chặn những hoạt động trái phép đối với ĐVHD.
Gia Lai có đường biên giới chung với nước bạn Campuchia nên từ nhiều năm trước, không ít đối tượng hám lợi đã vận chuyển ĐVHD từ nước bạn vào nội địa hòng tiêu thụ kiếm lời. Theo đó, lực lượng Kiểm lâm của tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, ngăn chặn đáng kể tình trạng này.
Báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết: Năm 2019, lực lượng này đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính về động vật rừng 5 vụ, 1 vụ xử lý hình sự. Chủ yếu là rắn ráo, rùa đất, sóc bay, nhím đuôi ngắn, cầy hương, lợn rừng… Cho thấy, hoạt động xâm hại đến ĐVHD trong năm đã giảm đáng kể.
Quản lý hoạt động gây nuôi
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 57 cơ sở gây nuôi ĐVHD, quy mô gây nuôi chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ ở hộ gia đình với các chủng loại chính như hươu sao, lợn rừng lai, nhím, dúi…
Ngành kiểm lâm Gia Lai thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến người dân biết loài ĐVHD nào được phép nuôi. Ảnh: Đăng Lâm.
Nhằm quản lý tốt hoạt động gây nuôi ĐVHD trên địa bàn, ngành Kiểm lâm đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để người dân có kỹ năng nhận dạng nhanh các loài ĐVHD, biết được loài nào được phép nuôi, loài nào cấm nuôi.
Đồng thời phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, hướng dẫn cơ sở gây nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêu hủy động vật chết không rõ nguyên nhân.
Đối với giống nuôi, cơ sở gây nuôi phải mua giống ở những nơi có nguồn gốc hợp pháp từ cơ sở hoặc trại nuôi đã được cơ quan Kiểm lâm lập hồ sơ quản lý…
Trang trại gây nuôi hươu sao của ông Bùi Quang Diệu (tổ 10, phường Ia K’ring, TP.Pleiku) là một điển hình.
Trước đây, gia đình ông trồng cà phê và hồ tiêu trên diện tích hơn 4ha. Cà phê hạ giá, hồ tiêu chết bệnh, ông chuyển sang nuôi bò lai, cũng không ăn thua. Bỏ ra thời gian và tiền bạc đi học tập kinh nghiệm, cách đây 2 năm, ông quyết định trồng cỏ, nuôi hươu sao.
Hiện, trang trại của gia đình ông đã gây nuôi được 50 con hươu sao để lấy nhung và sinh sản bầy đàn (26 con cái và 24 con đực).
Ông Diệu cho biết: Quy trình nuôi hươu sao là vô cùng khắt khe. Đặc biệt là khâu chọn giống, ông phải vào tận huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), tìm đến cơ sở được Kiểm lâm cấp phép bán giống để mua về gây nuôi.
Mỗi một con giống, ông mua từ 15 - 20 triệu đồng. Nhờ chọn giống chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên bầy hươu sao của trang trại ông Diệu phát triển rất tốt. Hiện đã có một số con cái đã đẻ con, bắt đầu có lãi.
Ông Diệu cho biết: “Tôi thực hiện đúng quy trình hướng dẫn từ khâu chọn giống đến ăn uống, vệ sinh chuồng trại… Tuy có chậm một chút nhưng chắc. Hiện chưa có vấn đề phát sinh như dịch bệnh, đau ốm”.
Ngăn chặn tình trạng săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD, đồng thời quản lý tốt vấn đề gây nuôi động vật rừng - đó là những gì mà Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã làm được trong thời gian qua, nhằm bảo tồn những loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ ngày một ít đi.
Ông Nguyễn Khắc Tâm (phòng Quản lý - Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai): “Trang trại gây nuôi hươu sao của gia đình ông Diệu đã thực hiện tốt các quy định về gây nuôi động vật rừng, góp phần bảo tồn các giống động vật hoang dã, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế hộ. Ngoài ra, đây còn là một địa điểm vui chơi, du lịch khá lý tưởng ở ngay thành phố, giúp các em nhỏ có điều kiện tiếp xúc, hiểu biết thêm về các loài động vật rừng, qua đó góp phần giáo dục ý thức bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng…”. |
Theo Nông nghiệp Việt Nam