Với giá heo dao động quanh mức dưới 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi không khỏi lo lắng. |
Giá heo hơi duy trì dưới mức 60.000 đồng/kg
Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi tiếp tục đi ngang trong hôm nay. Theo ghi nhận, 58.000 đồng/kg là giá giao dịch thấp nhất, được chứng kiến tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và Ninh Bình.
Cao hơn một giá ở mức 59.000 đồng/kg gồm có các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nam và Vĩnh Phúc.
Giá thu mua tại ba tỉnh Bắc Giang, Thái Bình và Tuyên Quang cùng ở mức 60.000 đồng/kg.
Hai tỉnh thành gồm Hà Nội và Hưng Yên tiếp tục ghi nhận giá bán heo hơi cao nhất khu vực là 61.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ổn định trong ngày đầu tuần.
Giá giao dịch thấp nhất khu vực ở mức 55.000 đồng/kg được ghi nhận tại Ninh Thuận.
Hai tỉnh Đắk Lắk và Bình Thuận có giá giao dịch là 56.000 đồng/kg. 57.000 đồng/kg là mức giá được các thương lái thu mua ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng.
Mức giá cao nhất khu vực là 62.000 đồng/kg tiếp tục được ghi nhận tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các tỉnh thành khác có giá bán dao động trong khoảng 59.000 - 61.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 55.000 - 62.000 đồng/kg.
Nhu cầu thịt heo trong nước đã bão hòa, giá heo khó có những biến động lớn. |
Tại miền Nam, giá heo hơi tiếp tục chững lại trên diện rộng. Kiên Giang và Sóc Trăng tiếp tục là hai tỉnh có mức giá giao dịch thấp nhất khu vực với 53.000 đồng/kg.
Trà Vinh ghi nhận giá bán heo hơi ở mức 54.000 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, heo hơi được bán cao hơn một giá là 55.000 đồng/kg.
Các tỉnh thành khác có giá dao động trong khoảng 56.000 - 59.000 đồng/kg. Giá heo hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 53.000 - 59.000 đồng/kg.
Thức ăn tăng cao, người nuôi bỏ chuồng, lo thiếu nguồn cung
Nhiều hộ chăn nuôi khặp nhiều khó khăn khi duy trì chăn nuôi trước cơn bão giá thức ăn chăn nuôi. Sáu tháng duy trì tiền cám cho đàn lợn thịt 30 con đang làm gia đình bà Thọ (Đông Anh, Hà Nội) khó khăn hơn bao giờ hết. Tháng trước mua một bao cám loại 25kg một bao là 260.000 đồng. Nhưng tháng này đã lên tới gần 280.000 đồng. Giá mua từ đại lý tăng cao như hiện nay đang khiến các hộ nhỏ lẻ không còn chi phí để vào đàn mới, giờ chỉ mong xuất chuồng thu vốn càng nhanh càng tốt.
"Giá thức ăn quá cao, chúng tôi giảm bớt chăn nuôi bởi lãi suất không có, áp lực lãi suất quá lớn. Nuôi bao nhiêu thì tiền cám ăn hết bấy nhiêu, chúng tôi không có lãi. Hiện chúng tôi chỉ nuôi nhỏ lẻ một ít thôi, cố gắng giữ lấy đàn", bà Nguyễn Thị Thọ - Xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Người chăn nuôi lo lắng khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá heo hơi vẫn ở mức thấp. |
Không chỉ các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, mà ngay với các hộ có mô hình trang trại như gia đình anh Hồng cũng đang băn khoăn cho việc có nên vào đàn thời điểm này hay không. Để duy trì thức ăn cho đàn 500 nái và 300 lợn thịt thời điểm này mỗi tháng cũng tiêu tốn cả trăm triệu đồng.
"Cũng mong giá bán thịt ổn định bởi giá tăng cao thì sau đó sẽ xuống nhiều. Mong Nhà nước duy trì chính sách ổn định giá để ngành chăn nuôi yên tâm", anh Phạm Quang Hồng - xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết.
Tại nhiều tỉnh trọng điểm chăn nuôi lớn trên cả nước, nguồn cung lợn ra thị trường cũng đang có chiều hướng giảm hơn so với các tháng trước đây từ 5-10%. Một phần cũng do nhiều trang trại đợi giá lợn hơi tăng cao chờ xuất bán.
"Vừa qua, chúng tôi đã cùng với các doanh nghiệp lớn đã tổ chức hội nghị trên toàn quốc để làm sao đảm bảo được nguồn cung thị lợn cho thị trường 100 triệu dân", ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào dịp Tết, thời điểm tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất trong năm, thì việc giá thịt lợn hơi tăng vượt mức 100.000 đồng/kg lợn là khó tránh khỏi. Điều này đã từng xảy ra sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi năm 2019. Khi đó cả người chăn nuôi, lẫn người tiêu dùng sẽ đều phải chịu thiệt.
Kìm giá heo để tránh gây áp lực lạm phát
Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 4679/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước diễn biến giá thịt heo và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo trên thị trường.
Thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi. Không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt heo tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới.
Đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Chính phủ chỉ đạo cần thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi heo tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt heo; thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá.
Công văn nêu rõ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, cơ quan liên quan:
Chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.
Làm rõ những bất cập, hạn chế (nếu có) đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tổng hợp tình hình giả cả thị trường để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những diễn biến mặt bằng giá khi có biến động, phát sinh và các đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt heo đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao./.