Giá heo hơi liên tục giảm |
Giá heo hơi liên tục giảm
Thị trường heo hơi vẫn tiếp tục giảm giá. Cập nhật đến ngày 6/10, giá heo hơi dao động trong khoảng 50.000 - 54.000 đồng/kg, thấp hơn 16% so với mức đỉnh gần 1 năm thiết lập hồi tháng 7.
Tuy nhiên, đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là khi các DN cũng điều chỉnh giảm giá. Cụ thể, VISSAN điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg ở khu vực miền Bắc, xuống còn 56.000 đồng/kg và bằng với thị trường miền Nam của chính công ty này. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ tiếp tục giảm giá trong những ngày tới.
Tại các hệ thống phân phối hiện đại, giá thịt heo phổ biến xoay quanh mốc 100.000 đồng/kg. Nhiều thương hiệu thịt liên tục "chạy" chương trình khuyến mãi 10 - 20%, một số khác lại áp dụng chương trình mua 1 kg thịt tặng 200 gr sản phẩm cùng loại… nhưng theo các doanh nghiệp (DN) thì "vẫn không vực dậy được sức mua".
Một số đơn vị nhập khẩu thịt cũng than tình hình kinh doanh hết sức khó khăn, sức mua giảm mạnh. "DN nhập khẩu "chết" nhiều vì nhập về ra hàng rất chậm, lỗ tiền lãi suất. Anh em trong ngành nản lắm dù giá một số mặt hàng cũng chỉ có 40.000 - 50.000 đồng/kg", anh H., đại diện một đơn vị nhập khẩu thịt đông lạnh, cho biết. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 8 tháng của năm 2023, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt ước đạt 887 triệu USD, giảm 3,3%.
Trái với kỳ vọng giá heo hơi sẽ phục hồi trở lại sau khi kết thúc tháng Vu Lan (tháng 7 Âm lịch), đà trượt dốc kéo dài của giá heo hơi vẫn tiếp diễn và nhiều ý kiến cho rằng giá heo hơi vẫn cần thời gian để phục hồi.
Với mức giá như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang lo lắng bởi với việc phụ thuộc vào con giống, thức ăn chăn nuôi mua ở các đại lý cấp 2, cấp 3 thì việc thua lỗ là điều chắc chắn.
Trong báo cáo mới đây của Vietnam Report, trước cú sốc về thu nhập do suy thoái kinh tế đầu năm 2023, xu hướng của người tiêu dùng cũng thay đổi như lựa chọn sản phẩm giảm giá (46,8%), chuyển sang sản phẩm giá thấp hơn (39,8%), lựa chọn nơi có giá bán thấp hơn (37,1%)… Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, thu nhập và tích lũy càng nhạy cảm với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Cách nào để gỡ khó?
Tăng cường kiểm xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo |
Ngày 1/8, Thủ tướng gửi công điện yêu cầu các tỉnh và Bộ ngành liên quan tăng cường kiểm xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện heo nhập khẩu bất hợp pháp, các cơ quan phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Heo nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân”, công điện nêu.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững; sửa đổi một số quy định về quy mô hỗ trợ xây dựng các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung; triển khai đồng bộ công tác quản lý giống vật nuôi trên phạm vi cả nước.
Đồng thời, cần có giải pháp vĩ mô để ổn định giá thịt heo nói riêng và giá các sản phẩm chăn nuôi nói chung nhằm góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững trong thời gian tới. Theo ông Vũ Anh Tuấn- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP CN C.P Việt Nam, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững phải liên kết với nhau trở thành thành viên của các tổ nhóm, HTX hoặc liên kết với doanh nghiệp, từ đó, để nâng cao sức cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Chăn nuôi mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn ngành chăn nuôi phải có giải pháp mang tính căn bản.
Ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất giống, chế biến thức ăn, chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học- công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
“Bên cạnh đó, cần tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đối với thức ăn chăn nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế; công tác khuyến nông và xây dựng cơ bản. Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu. Đối với ngành chăn nuôi heo hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường với 98 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Việc tăng cường xuất khẩu thịt heo là điều không hề dễ nhưng không thể không tính đến. Để xuất khẩu được thì cần phải kiểm soát tốt được dịch bệnh. Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng cần hạ giá thành sản xuất. Chi phí nuôi của Việt Nam hiện vẫn ở mức cao trên thế giới do nguyên liệu thức ăn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ngoài ra, muốn xuất khẩu thịt sang thị trường mới cũng mất 5-7 năm để đàm và tiếp tiếp thị. Bởi vậy, xuất khẩu các sản phẩm thịt heo tươi sống rất khó.
Về dài hạn, để giải quyết câu chuyện giá cả bấp bênh, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi cho rằng xuất khẩu vẫn là giải pháp quan trọng, cứu cánh cho thị trường trong nước, bênh cạnh việc kiểm soát nhập lậu.
Giải pháp hiện tại là xuất khẩu các sản phẩm thịt heo đã qua xử lý nhiệt (thịt đông lạnh, thịt chế biến sẵn), ông Dương cho biết thêm.
Người chăn nuôi ở Bình Định vượt ‘bão giá’ tăng tốc phát triển đàn bò, đàn gà, đàn heo |
Giá thịt lợn đồng loạt giảm, ngành chăn nuôi “khóc ròng” |
Ngành chăn nuôi vịt đang “nóng” lên |