Giá heo đã tăng, phòng chống dịch thành công là người nuôi có lãi |
Giá heo hơi ngày 10/11/2022, tiếp tục tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg
Tại miền Bắc, Hà Nội giá heo hơi báo tăng 2.000 đồng/kg lên mức 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai giá heo hơi đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg. Tương tự, giá heo tại tỉnh Phú Thọ cũng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 56.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình giá heo hơi được thu mua với mức 58.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi đạt mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 55.000 - 59.000 đồng/kg.
Miền Trung - Tây Nguyên, toàn miền có duy nhất tỉnh Thanh Hóa giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.
Trong khi tại tỉnh Bình Định giá heo hơi báo giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 54.000 đồng/kg. Còn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi giá heo giảm 1.000 đồng/kg xuống 55.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi so với hôm qua. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế giá heo hơi ở mức cao nhất toàn miền 58.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa giá heo hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 58.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu giá heo hơi đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg.
Ngược lại, giá heo hơi tại tỉnh Hậu Giang lại giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 53.000 đồng/kg.
Các địa phương như Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu giá heo hơi đi ngang, hiện ở mức 54.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng giá heo hơi ở mức thấp hơn 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 - 57.000 đồng/kg.
Phòng chống dịch, mấu chốt để người nuôi có lãi
Trước thông tin tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh xuất hiện dịch tả heo châu Phi trở lại, ông Nguyễn Văn Tỏa ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tăng cường các biện pháp phòng dịch cho đàn heo. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, gia đình ông nuôi 100 con heo thịt, ngoài ra còn có 19 con heo nái.
Dịch bệnh liên tiếp xuất hiện trong thời gian qua khiến ông không khỏi lo lắng. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, ông đã chủ động phòng dịch, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho đàn heo, tiêm phòng dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, ngoài việc hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, gia đình ông Tỏa còn thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc toàn bộ trang trại, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất.
“Cả năm người chăn nuôi chủ yếu trông chờ vào vụ Tết, nếu chủ quan, lơ là một chút là trắng tay. Do đó, chúng tôi phải cố gắng giữ an toàn cho đàn heo, trước đây tuần 1 lần phun xịt, nay giao mùa thì mỗi ngày xịt một lần để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra cho đàn heo”, ông Tỏa cho hay.
Cũng để bảo đảm an toàn cho đàn gà 2.000 con chuẩn bị phục vụ thị trường Tết, ông Nguyễn Minh Lý ở ấp 1, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin cho gà; chú trọng cung cấp lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin tăng sức đề kháng cho đàn gà phát triển tốt.
Ngoài việc tiêm phòng vắc xin theo định kỳ hướng dẫn của cán bộ thú y xã, thường xuyên rắc vôi bột xung quanh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ông Lý còn thực hiện chăn nuôi an toàn, sử dụng đệm lót sinh học. Ông Lý cũng chủ động tách đàn khi đàn gà có biểu hiện lạ để theo dõi, phòng trường hợp dịch lây lan ra cả đàn.
“Thời điểm này cần tăng cường khoáng chất và men vi sinh. Việc vệ sinh chuồng trại phải thường xuyên, chuồng phải thoáng mát, rải men vi sinh cho gà không bị bệnh về hô hấp”, ông Lý nói.
Ông Thịnh Đức Minh, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và thú y (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, nắng, mưa xen kẽ khiến vật nuôi giảm sức đề kháng do không thích ứng kịp thời và rất dễ mắc bệnh. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh được Chi cục xác định là trọng tâm xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Ngoài thực hiện cấp phát các loại vắc xin, đơn vị cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên động vật; phối hợp tăng cường kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ; cấp vôi bột, thuốc sát trùng, vệ sinh tiêu độc khử trùng đối với các ổ dịch, vùng dịch.
Người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh |
“Những tháng cuối năm thường là thời điểm nhảy cảm do nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ vật nuôi tăng lên, nguy cơ tái phát dịch bệnh rất cao. Do đó, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần duy trì và thường xuyên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, trong đó chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh cần báo ngay với cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Các trường hợp không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Minh cho biết thêm.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An - Huỳnh Thị Kim Phượng, hiện đang là thời điểm người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chuẩn bị con giống để chăn nuôi cho vụ Tết. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến bất lợi, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm dễ cho các loại vi-rút “tấn công”. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh.
Thực tế những năm trước cho thấy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6,... thường xảy ra vào những dịp cuối năm, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, nhất là ở những huyện có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ,... Chi cục đang rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, để có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để bảo đảm chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm 2022.
“Để bảo đảm tái đàn hiệu quả và giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, Chi cục cũng khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ” - bà Huỳnh Thị Kim Phượng khuyến cáo.
Một số biện pháp phòng, chống dịch cho vật nuôi
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong mùa mưa rét người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống đói, rét bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, và lưu ý một số biện pháp sau:
Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi: Tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin cho từng loại vật nuôi.
- Đối với trâu, bò, dê: Cần tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục.
- Đối với lợn: Tiêm phòng vắc xin tam liên (tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn), vắc xin dịch tả lợn Châu Phi (nếu có)
- Đối với gia cầm: Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm
- Đối với chó, mèo tiêm phòng vắc xin dại
Các loại vắc xin khác người chăn nuôi chủ động thực hiện tiêm vắc xin Ung khí thán trâu bò (đối với những vùng có ổ dịch UKT cũ), Tai xanh (PRRS), Lở mồm long móng cho lợn, E.coli phù đầu (tiêm cho lợn nái và lợn con), Dịch tả vịt, Niu-cát-xơn, Gum-bô-rô, Tụ huyết trùng gia cầm,... theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
Phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường. Nếu vật nuôi mắc bệnh, chết có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc động vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân thì phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất.
Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi |
Về chuồng trại: Gia cố, tu sửa chuồng trại, đảm bảo cao ráo, dễ thoát nước, dễ vệ sinh, ấm áp về mùa đông, che chắn mưa tạt, gió lùa. Xây hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi, thay thuốc sát trùng thường xuyên. Thường xuyên vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường chăn nuôi bằng các loại thuốc khử trùng như: Virkon, Vetvaco-Iodine, Han-Iodine, Benkocid,… .
Chăm sóc, nuôi dưỡng: Thức ăn phải đảm bảo luôn sạch sẽ hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng cho mỗi loại vật nuôi và theo từng giai đoạn phát triển. Bổ sung vào thức ăn, nước uống các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Đặc biệt chú ý, những ngày rét đậm rét hại tăng từ 5 - 10% khẩu phần ăn so với ngày thường để vật nuôi có đủ năng lượng chống rét. Đảm bảo đầy đủ nước sạch và dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm vào mùa mưa r ét.
Đối với lợn: Nên có chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C.
Đối với gia cầm: Cần thực hiện tốt quy trình úm cho gia cầm tối thiểu là 21 ngày tuổi, cần có biện pháp chống rét thích hợp (che chắn chuồng tránh bị mưa ướt và gió lùa trực tiếp, tăng nguồn nhiệt bằng cách bổ sung thêm bóng điện, bóng hồng ngoại, không thả gia cầm ra vườn, đồi trong những ngày có rét đậm, rét hại,…).
Đối với trâu, bò: Cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho trâu bò, với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể. Đồng thời bổ sung thêm 0,5 – 1kg thức ăn tinh/con/ngày (bột ngô, bột sắn, cám gạo,.. ) để trâu bò có đủ năng lượng chống rét. Đối với những ngày rét đậm cần cho trâu bò uống nước ấm, bổ sung thêm muối ăn với lượng 15gram/10 lít nước nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng cơ thể. Chủ động dự trữ thức ăn cho trâu bò bằng hình thức ủ chua thức ăn xanh như ủ chua cỏ voi, dây lang, thân cây ngô,… dự trữ cỏ khô, rơm khô; trồng các loại cỏ bổ sung đảm bảo nguồn thức ăn ổn định.
Ngoài ra cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả hợp lý. Hạn chế việc chăn thả gia súc khi nhiệt độ ngoài trời dưới 150C (đặc biệt là gia súc nhỏ). Thời gian chăn thả tốt nhất: buổi sáng 8h, khi trời đã tan sương; buổi chiều: về trước 16h. Theo dõi diễn biến của thời tiết để điều chỉnh tiểu khí hậu trong chuồng nuôi cho phù hợp. Những ngày mưa phùn, ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Với bê nghé chăn thả muộn, về sớm. Những ngày trời rét dưới 15oC không chăn thả gia súc, gia cầm ra ngoài đồng.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả vào mùa mưa rét, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khác tăng cường chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi và thú y, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt cần thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi làm cơ sở cho việc hỗ trợ khi có thiệt hại do thiên tai, dịch bênh gây ra. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi và cơ quan Thú y, cùng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.