Giá cà phê trong nước
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.500 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.000 đồng/kg.
Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.900 đồng/kg.
![]() |
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.000 đồng/kg (Chư Prông).
Ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.900 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.000 đồng/kg.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt trong bối cảnh lạm phát, thương mại khó khăn. Tổng cục Thống kê ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2022 đạt 110.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, có trị giá 267 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu năm 2022 sẽ đạt tổng cộng 1.535.000 tấn (khoảng 25,58 triệu bao), tăng 10,21% so với cùng kỳ năm trước, đạt trị giá 3,5 tỷ USD.
Hiện Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê tại các tỉnh trong khu vực, năm nay cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 87.000ha cà phê kinh doanh, hầu như các nhà vườn đều đã thu hái 50 - 70% diện tích.
Nhà vườn cũng ý thức được về việc đảm bảo, nâng cao chất lượng nên đều chỉ hái khi cà phê đạt độ chín. Nông dân đã cùng nhau xây dựng các hợp tác xã, tổ hội để tạo thành liên kết nhằm tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng nhu cầu cà phê hữu cơ của các thị trường khó tính.
Trong những tháng cuối năm, giá cà phê được dự báo sẽ tiếp tục đi lên. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, được cho là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc và có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay là thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Giá cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 giảm 4 USD/tấn ở mức 1.888 USD/tấn, giao tháng 3/2023 giảm 9 USD/tấn ở mức 1.846 USD/tấn.
Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 6,15 cent/lb, ở mức 165,6 cent/lb, giao tháng 3/2023 giảm 3,3 cent/lb, ở mức 163,2 cent/lb.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất được giao dịch trên toàn cầu. Trong khi sản xuất cà phê tập trung ở các nước đang phát triển, tiêu thụ cà phê chủ yếu diễn ra ở các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
Hầu hết những người trồng cà phê ở các nước đang phát triển là những hộ sản xuất nhỏ, họ thường nhận được giá thấp cho sản phẩm của mình. Ngược lại, các nhà rang xay cà phê và các thương nhân quốc tế thống trị chuỗi hàng hóa cà phê toàn cầu và thu được phần lợi nhuận đáng kể, những lợi nhuận này không chảy về tay nông dân.
Trước đây đã có những hợp tác quốc tế nhằm nâng cao và ổn định giá cà phê, trong đó đáng chú ý nhất là Hiệp định Cà phê Quốc tế (ICA) được thành lập vào năm 1962.
Tuy nhiên, sau khi chế độ ICA sụp đổ vào năm 1989 do thiếu sự hỗ trợ từ các nước thành viên, giá cà phê quốc tế trở nên đầy biến động và mức độ tập trung của thị trường cũng tăng lên, khiến thị trường nghiêng về phía những “người chơi” lớn hơn.
Để đối phó với sự biến động giá này, một số sáng kiến phi chính phủ đã ra đời nhằm hỗ trợ sinh kế của nông dân và tính bền vững của môi trường, thông qua cách thiết lập các tiêu chuẩn sản xuất xã hội - môi trường để đổi lấy giá cao hơn.
Một ví dụ điển hình trong số đó là Fairtrade International - một chương trình ghi nhãn bền vững xuyên quốc gia đánh dấu các sản phẩm bằng biểu tượng Fairtrade.
Các sản phẩm có nhãn Fairtrade thường được bán với giá cao hơn vì nông dân quy mô nhỏ được đảm bảo mức giá tối thiểu cho cây trồng của họ để được bảo vệ khỏi sự giảm giá đột ngột.
Ngoài ra, nông dân còn được hưởng lợi từ phí bảo hiểm Fairtrade - một khoản thanh toán bổ sung trên giá bán được chi cho các mục đích có lợi cho xã hội - trả cho các nhóm hoặc hợp tác xã của họ.
Nhiều người trồng cà phê Fairtrade cũng có chứng nhận hữu cơ đảm bảo sản xuất bền vững với môi trường. Tại Indonesia, có khoảng 25 hợp tác xã cà phê được chứng nhận Fairtrade và 98% trong số đó có chứng nhận hữu cơ.
Việc có chứng nhận hữu cơ và nhãn Fairtrade sẽ tăng cơ hội thị trường cho người trồng cà phê và cho phép họ bán sản phẩm với giá cao hơn từ những người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho cà phê bền vững, theo trang Fulcrum.