Giá cà phê trong nước tăng nhẹ. |
Giá cà phê trong nước tăng nhe 400 - 500 đồng/kg nằm trong khoảng 127.900-128.600 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 128.500 đồng/kg, giá mua cao nhất tại các tỉnh Đắk Nông là 128.600 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai (Chư Prông) là 128.500 đồng, ở Pleiku và La Grai cùng giá 128.400 đồng/kg; Tại tỉnh Kon Tum ở mức giá 128.500 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 128.600 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 127.900 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay ngày 14/7 tại tỉnh Đắk Lắk; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 128.500 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 128.400 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London ngày 14/7/2024 lúc 4h30 tăng ở mức 4.079- 4.617 USD/tấn. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 là 4.617 USD/tấn (tăng 41 USD/tấn); kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 là 4.441 USD/tấn (tăng 444 USD/tấn); kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 là 4.250 USD/tấn (tăng 48 USD/tấn) và kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 là 4.079USD/tấn (tăng 35 USD/tấn).
Giá cà phê Arabica trên sàn New York sáng ngày 14/7/2024 mức tăng từ 241.70 - 248.75 cent/lb. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 là 248.75 cent/lb (tăng 1.59%); kỳ giao hàng tháng 12/2024 là 246.80 cent/lb tăng 1.71%); kỳ giao hàng tháng 3/2025 là 244.55cent/lb (tăng 1.83 %) và kỳ giao hàng tháng 5/2025 là 241.70 cent/lb (tăng 1.92%).
Giá cà phê Arabica Brazil sáng ngày 14/7/2024 tăng. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 là 315.75USD/tấn (tăng 1.58%); kỳ giao hàng tháng 9/2024 là 305.00 USD/tấn (tăng 0.76 %); kỳ giao hàng tháng 12/2024 là 301.80 USD/tấn (tăng 1.70 %) và giao hàng tháng 3/2025 là 299.35USD/tấn (tăng 1.98%).
Sản lượng cà phê không còn nhiều
Sản lượng cà phê không còn nhiều, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. |
Giá cà phê trong nước bật tăng sau khi giá cà phê Robusta trên thế giới phá đỉnh lịch sử, thiết lập mức giá cao mới, quanh mốc 4.600 USD/tấn, tăng khoảng 60% so với hồi đầu năm nay.
Theo chia sẻ mới đây của ông Giuseppe Lavazza - Chủ tịch hãng rang xay cà phê Luigi Lavazza SpA, thị trường cà phê toàn cầu sẽ còn tiếp tục trong trạng thái căng thẳng nguồn cung, đặc biệt là đối với cà phê Robusta, khi sản lượng niên vụ tới của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức thấp kỷ lục mới. Luigi Lavazza SpA là một trong những hãng rang xay cà phê lâu đời nhất ở châu Âu.
Ông Giuseppe Lavazza cho biết các nhà rang xay đang phải trả mức chênh lệch giá so với các hợp đồng giao kỳ hạn trên sàn giao dịch lên tới 1.000 USD/tấn cho hạt cà phê Việt Nam.
“Điều này chưa từng có trong lịch sử ngành cà phê. Và điều rất đặc biệt là hiệu ứng giá cà phê tăng đang kéo dài ra”, Chủ tịch Luigi Lavazza SpA nhấn mạnh.
Về nguồn cung, hiện thị trường đang phụ thuộc chính vào vụ mùa Brazil đang trong vụ thu hoạch, nhưng có thông tin từ nội địa Brazil hiện đang trong vụ thu hoạch, có khả năng thấp hơn dự báo ban đầu; với lời cảnh báo rằng quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất này có đủ khả năng tài chính để cầm giữ lượng hàng của mình lại.
Việc giá tăng trong tuần này vẫn chỉ xoay quanh với nguyên nhân do lo ngại điều kiện khô hạn hơn bình thường có thể ảnh hưởng xấu đến cây cà phê của Brazil và Việt Nam và vẫn chưa có gì mới hơn.
Theo số liệu ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá bình quân xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt mức 4.489 USD/tấn trong tháng 6/2024, tăng 5% so với tháng 5/2024 và tăng 67,3% so với tháng 6/2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.570 USD/tấn, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung cà phê Robusta, đặc biệt là từ Việt Nam, vào thời điểm này vẫn tiếp tục eo hẹp. Lý do đã qua vụ thu hoạch từ lâu, hàng tồn kho không còn, các doanh nghiệp trữ cà phê lại không bán ra. Sản lượng cà phê Brazil, quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, dự kiến giảm khoảng 20% so với vụ trước do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn. Tựu chung, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá cà phê tăng mạnh.
Ngoài ra, việc nông dân Brazil không còn mặn mà bán cà phê ra thị trường bởi chênh lệch tỷ giá đồng Real Brazil so với USD là quá lớn.
Theo một số doanh nghiệp, hiện sản lượng cũng không có nhiều, chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa. Các doanh nghiệp lớn không dám mạo hiểm ký hợp đồng mới khi giá cả liên tục biến động mạnh cùng với đó là việc vận chuyển khó khăn do cước tàu biển tăng.
Dự báo diễn biến thị trường cà phê giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024, dựa trên các yếu tố như điều kiện thời tiết, năng suất cây trồng và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, giới quan sát cho rằng có thể giá của loại "hạt đắng" này sẽ chưa thể hạ nhiệt.