Thời gian viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 26/7: Từ 7h đến 13h
Địa điểm: Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh; Quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội
Lễ truy điệu: 13h ngày 26/7
Lễ an táng: 15h ngày 26/7 tại Nghĩa trang Mai Dịch
Tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội
Người dân chờ đợi vào viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Phạm Chiểu |
Từ sáng sớm 26/7, hàng ngàn người dân đã bắt đầu đổ về Nhà tang lễ Quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đến khoảng 6 giờ 30 phút, trên các con phố Lò Đúc, Hàn Thuyên, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Huy Tự… dòng người đã kéo dài hàng km.
Có mặt tại khu vực nhà tang lễ từ sớm, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: "Tôi không biết nói gì lúc này, chỉ biết là rất xúc động. Để đánh giá về công lao, di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cần có những công trình tổng quát hơn, nhưng chỉ cần nhìn những dòng người xếp hàng dài để chờ đến lượt được vào viếng Tổng Bí thư thì chúng ta sẽ biết lòng dân như thế nào".
Nhà sử học Dương Trung Quốc trên phố Lò Đúc. Ảnh: Phạm Chiểu |
Cô giáo Đặng Thị Phúc (92 tuổi) là người đã dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 năm tiểu học. Những dấu ấn sâu đậm khi dìu dắt cậu học trò ưu tú ngày đó vẫn được cô Phúc nhớ mãi. Hôm nay, cô được người thân đưa tới Nhà tang lễ Quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò ưu tú của mình.
Cô giáo Đặng Thị Phúc tới viếng người học trò ưu tú của mình. Ảnh: Mạnh Quân. |
Đại tá Thái Khắc Kế, nguyên sĩ quan của Binh đoàn 12, cho biết: "Chúng tôi là những người lính, tình cảm của chúng tôi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất đặc biệt, đó là sự kính trọng và quý mến. Sinh thời, đồng chí cũng đã từng đến thăm đơn vị và có những câu chuyện rất xúc động. Sáng nay đơn vị chúng tôi đến đây để chờ vào viếng Tổng Bí thư".
Bạn Nguyễn Hoàng Yến (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Hôm nay tôi nghỉ làm một ngày để đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những cống hiến, hy sinh của ông khiến tôi thấy mình không thể không đi viếng ông lần cuối, cảm giác không đi sẽ ân hận, tiếc nuối cả đời. Nên dù có phải xếp hàng vất vả, kéo dài bao lâu tôi cũng sẵn sàng, miễn là được vào viếng ông, được đưa tiễn ông".
7h30, hàng ngàn người từ đường Nguyễn Huy Tự đã xếp hàng dài hàng cây số tới đường Trần Thánh Tông để chờ vào viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Phạm Tuấn |
Đợi từ 4h sáng, vợ chồng chị Đỗ Thị Hiên dù chỉ vào viếng vài phút nhưng vẫn thấy thoả lòng. Anh chị tự lái xe từ Thái Bình lên Hà Nội lúc nửa đêm, nghỉ tạm nhà người thân rồi tới nhà tang lễ sớm. Vợ chồng chị dự tính "đợi đến chiều làm lễ truy điệu, an táng Tổng Bí thư xong xuôi rồi mới yên dạ về quê".
Tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh
Người dân xếp hàng vào viếng tại Hội trường Thống Nhất sáng 26/7 - Ảnh: Quang Định |
Từ sáng sớm 26/7, khu vực trung tâm TP HCM mưa lất phất. Nhiều người đến từ các tỉnh, thành phía Nam đã xếp hàng dài trước Hội trường Thống Nhất chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lực lượng chức năng phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân đăng ký.
Trần Huyền Trang, nhân viên văn phòng tranh thủ trước giờ làm đi viếng cố Tổng Bí Thư. Trang cho biết đi cùng em gái dậy từ 5h đi từ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình đến Hội trường Thống Nhất.
Trong hội trường, lễ viếng bắt đầu từ 7h. Hôm nay, lễ viếng sẽ kết thúc lúc 12h30. Trước đó, Ban tổ chức cho biết đến 22h ngày 25/7, đã có 691 đoàn viếng, hơn 38.000 lượt người, trong đó, người dân là 19.650.
Ảnh: Quang Huy. |
Ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, bà xuất phát từ 3 giờ 30 phút sáng nay và có mặt tại Hội trường Thống Nhất lúc 5 giờ sáng.
Bà Trần Thị Kim Hiến với căn bệnh suy tim cùng đôi chân yếu khó đi lại được vẫn có mặt rất sớm để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Cẩm Nương |
Bà Trần Thị Kim Hiến (68 tuổi) ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, cựu cán bộ phong trào của miền Nam, lặng lẽ đến từ rất sớm để viếng Tổng Bí thư.
Bà Hiến cho biết ngày 19/7, nghe tin Tổng Bí thư mất, cả nhà bà đặt hoa cúng để sáng ngày 20 lập bàn thờ viếng bác. Di ảnh được khắc dòng chữ đầy xót thương "Đồng bào cả nước khóc thương Tổng Bí thư". Bà Hiến dự định sẽ lập bàn thờ đến 49 ngày để mỗi ngày đều được thắp hương tưởng nhớ, tri ân vị lãnh đạo tài đức.
Hôm nay trước khi đến lễ tang, bà đã dậy từ 3h sáng, không ngủ được vì nóng lòng, tiếc thương, mong được nhanh đến thắp nén hương cho Tổng Bí thư. "Khi nghe tin bác Trọng mất, tôi bủn rủn cả chân tay nhưng dặn lòng phải bình tĩnh không được xót thương nhiều vì mang bệnh trong người. Bác là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác về nơi vĩnh hằng chắc chắn sẽ phù hộ cho nhân dân Việt Nam sống hạnh phúc, cho các thế hệ trẻ, thế hệ lãnh đạo về sau được nối tiếp bác, nối tiếp sự nghiệp cách mạng bằng cả tâm và tầm.
Với tôi, bác cũng là tấm gương sáng cho việc phụng sự, cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Vì tôi bệnh suy tim, không thể đi lại được nên mới nghỉ công tác mấy năm gần đây chứ tâm nguyện tôi vẫn là công tác suốt đời phục vụ bà con nhân dân", bà Hiến chia sẻ.
Tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội
Nhiều người bật khóc khi vào viếng, thắp hương trước di ảnh Tổng Bí thư. Ảnh: Võ Hải |
6h30 sáng 26/7, tại các con ngõ, tuyến đường dẫn vào thôn Lại Đà an ninh được thắt chặt, 100% người dân vào thôn phải xuất trình căn cước công dân.
Sáng nay, các đoàn đến viếng chủ yếu là người dân, công nhân, doanh nghiệp quanh khu vực Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Đoàn người di chuyển về thôn Lại Đà viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Anh Giang Trường Thanh (ở Bắc Giang) nói anh cùng những người hàng xóm xuất phát từ lúc 5h sáng để đến xếp hàng vì lo lễ viếng kết thúc vẫn không kịp vào viếng Tổng Bí thư.
Phía trong hội trường, người thân Tổng Bí thư cùng các lực lượng chức năng đã có mặt từ sớm để đón các đoàn khách. Nhiều người không kìm được nỗi xúc động khi nhìn thấy di ảnh vị lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.