Doanh nhân Lý Ngọc Minh – Người lan toả gốm sứ Việt ra thế giới |
Ước mơ của cậu bé 10 tuổi
Doanh nhân Lý Ngọc Minh là người có nguyên quán tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nhưng sinh ra tại Bình Dương. Ông sinh trưởng trong gia đình có truyền thống ba đời làm gốm, Lý Ngọc Minh nuôi dưỡng đam mê gốm sứ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí khi còn là một thiếu niên, ông từng quyết tâm tự học tiếng Trung để đọc hiểu tài liệu công nghệ trong lĩnh vực này.
“Khi còn nhỏ, bố từng đưa tôi tham dự triển lãm của hãng gốm sứ nổi tiếng lúc đó. Ấn tượng khi nhìn thấy sản phẩm Việt trưng bày cùng sản phẩm Nhật Bản, Trung Quốc, tôi ấp ủ suy nghĩ thực hiện một cuộc cách mạng gốm sứ Việt. Tôi muốn chế tác những chiếc chén đẹp tương đương sản phẩm nước bạn”, ông kể lại.
Ước mơ của cậu bé 10 tuổi luôn tồn tại trong ông, chỉ chờ cơ hội bùng cháy. Kế thừa truyền thống gốm sứ của gia tộc, năm 1970 ông Lý Ngọc Minh bắt đầu thành lập Công ty gốm sứ Minh Long I tại Bình Dương (Việt Nam). Sau một thời gian có vị thế trên thị trường, ông tập trung xuất khẩu đồ gốm mỹ nghệ, đứng đầu là thị trường Pháp.
Theo lời kể của ông Lý Ngọc Minh, Minh Long I cũng như cái doanh nghiệp khác, để đứng vững như ngày hôm nay, đều phải trải qua những khó khăn, thậm chí đứng trước lựa chọn một sống một còn.
“Đó là khi tôi quyết định đi theo con đường tự nghiên cứu và vận hành công nghệ mới mà chưa nước nào làm được. Khi giá thành đầu vào, năng lượng, lao động ngày một tăng, thiết bị nhập về phải khấu hao, cộng thêm chi phí trả vay ngân hàng, khiến giá thành sản phẩm cao và không bán được hàng, Minh Long trụ không nổi, đứng trước bờ vực đóng cửa bất đắc dĩ".
Sản phẩm gốm sứ Minh Long |
Ông Minh kể rằng, vào thời điểm đó, phương án đổi mới công nghệ để giảm chi phí và hoàn thiện sản phẩm hơn chỉ có 30% thành công, "nhưng còn hơn không, tôi quyết định phải lựa chọn”.
Hơn mười năm không bỏ cuộc, Minh Long I đã thành công với công nghệ ”nung một lần” mà hầu như các hãng gốm lớn trên thế giới đều không hoàn thành vì thời gian cho nghiên cứu quá lâu và tranh cãi quá nhiều. “May mắn thay, vì tôi là ông chủ và may mắn nữa vì thời khắc sinh tử đấy buộc tôi phải chọn”, ông Minh nhớ lại.
Ngoài việc đưa công nghệ mới này vào sử dụng, hiện tại ông Minh cho biết thêm rằng công ty Minh Long I cũng đang nghiên cứu thêm công nghệ sản xuất mới sẽ đưa vào áp dụng cuối năm nay.
Va chạm và trải nghiệm nhiều trong cuộc sống lẫn thương trường, ông Minh tự đúc kết, trong kinh doanh, để thành công chỉ 1% là do mình, 99% còn lại là do may mắn. Nhưng ông bảo, may mắn ấy “chỉ dành cho những người chịu thương, chịu khó và kiên trì với mục tiêu”.
Mà ông Minh, có lẽ còn hơn cả một người như thế. Luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Bởi thế, cái tên Minh Long giờ đã chẳng còn xa lạ với người Việt Nam. Sản phẩm sứ Minh Long không chỉ có mặt ở hầu hết gia đình Việt, mà còn đến được với nhiều nước trên thế giới.
Nỗ lực ấy ghi dấu ấn ngay ở chuyện Minh Long sản xuất gốm sứ cao cấp ở nhiệt độ 1.380 độ C, đạt tiêu chuẩn châu Âu bằng phương pháp đốt một lần lửa.
Ban đầu, ông Minh hợp tác với một đối tác Đức. Nhưng hợp tác bất thành, ông quay về nước, quyết tự nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ nung hai lần lửa sang một lần lửa mà vẫn đạt được chất lượng châu Âu (Đức). Ông đã hoàn thiện công nghệ này sau 13 năm miệt mài nghiên cứu.
Giờ mỗi lần nhớ lại, ánh mắt ông vẫn ánh lên sự tự hào, rồi đùa rằng, nếu không nhờ công nghệ ấy để tiết giảm ít nhất một nửa chi phí sản xuất so với cách thường, e rằng Minh Long đã phá sản từ vài năm trước.
Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng đến giờ, ông Minh vẫn thường tự tay vuốt, nặn hình hài nhiều sản phẩm gốm ngay tại xưởng, để nhắc nhở trên dưới 3.000 nhân viên rằng, ông vẫn là một người thợ lành nghề, mắt sáng, tai tỏ, bàn tay nhanh nhẹn và khối óc sáng suốt. Và có lẽ vì vậy, mà sứ Minh Long cũng luôn sáng lấp lánh, là một thương hiệu mà bất cứ người Việt nào cũng có thể tự hào.
Sản phẩm nồi dưỡng sinh của Gốm sứ Minh Long |
4 quy tắc làm nên thương hiệu gốm sứ Minh Long
Nói về những giá trị cốt lõi của Minh Long I, ông Lý Ngọc Minh cho rằng: “Điều tôi tâm huyết là tạo nên những sản phẩm gốm sứ vừa có kỹ thuật cao, vừa mang tính nghệ thuật, đủ sức cạnh tranh với những nền gốm sứ nổi tiếng thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức...”. Điều mà ông Minh trăn trở nhiều nhất là ngoài kỹ thuật cao ra, các sản phẩm gốm sứ của mình phải mang được chất tinh tú và phải toát lên được “hồn” Việt.
Do vậy, cũng không ngạc nhiên khi ông chọn slogan cho các sản phẩm của mình là: “Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người”, hay “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà”. Đây chính là nguồn cảm xúc bất tận trong ông. “Những chiếc lu mà tôi đã từng gánh nước đến chai cả vai, giúp tôi tạo ra những vật phẩm mang hồn Việt Nam, khiến cho ai xa quê cũng thấy nhớ nhà”, ông Minh bộc bạch.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng nếu chỉ dựa vào đam mê thì vẫn chưa đủ. Sở dĩ Minh Long I trở thành một thương hiệu nổi tiếng như ngày nay, theo ông, là còn nhờ vào việc kiên định thực hiện nguyên tắc “Bốn không - Bốn có”. “Bốn không” ở đây là: không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác. Không có biên giới bởi những sản phẩm đậm chất văn hoá Việt Nam, nhưng người nước ngoài vẫn đồng cảm, thích thú.
Trong từng sản phẩm mẫu mã hoa văn tinh xảo, sang trọng những vẫn gần gũi để phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi nên chúng không phân biệt tuổi tác, giới tính. Những điều đó sẽ giúp sản phẩm trường tồn cùng thời gian. “Bốn không” cũng chính là cơ sở cho “Bốn có”, đó là: có văn hoá, có nghệ thuật, có phong cách riêng, và quan trọng nhất là có hồn. “Sản phẩm có hồn, sẽ tự biết nói”, ông Ngọc Minh lý giải.
Sản phẩm của Công ty Gốm sứ Minh Long I |
Sau giải phóng, với bao khó khăn khi trở lại nghề gốm sứ, nhưng bước đột phá của Minh Long thời đó là những bộ đồ trà vẽ theo phong cách thủy mặc đã được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Tiếp đến những năm 90 của thế kỷ trước, những lô hàng con giống nhỏ đã mang lại doanh thu đáng kể cho công ty với mức tăng trưởng trên 10%/năm. Năm 1998 – 1999, Minh Long I lại thành công vang dội trên thị trường Pháp, Đức.
Có tiềm lực nhờ xuất khẩu, ông Lý Ngọc Minh quyết định sẽ vực dậy ngành gốm sứ Việt Nam đang mai một dần trong bối cảnh hàng ngoại giá rẻ tràn ngập. Lại một phen sống chết với kỹ thuật để nghiên cứu cho ra màu men thích hợp nhất với từng sản phẩm.
Ông Minh thổ lộ: “Làm ra một chất men đẹp mất vài ba năm, rồi vài ba năm nữa để nâng thành đẳng cấp quốc tế. Để làm được những công việc như thế có khi phải nhờ kinh nghiệm tích lũy cả đời người. Nhưng tôi vẫn đang theo đuổi màu men chưa ai làm được dù biết điều này nhiều khi còn phải nhờ vào số trời”.
Nhưng không chỉ đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm mang tính mỹ thuật mà Minh Long I còn là những sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người sử dụng. “Sản phẩm sứ chất lượng cao không chỉ: Trắng, tròn, trong và mỏng, mà còn phải thoả mãn độ bền cơ học và đặc biệt là phải tuyệt đối an toàn”.
Làm một bộ đồ ăn, mỗi lần nung là mỗi lần “vào sanh ra tử”, mà phải năm, bảy lần như thế mới có được sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng sản phẩm sành sứ, sau khi tráng men vẫn có những lỗ nhỏ tạo thành độ nhám trên bề mặt sản phẩm mà mắt thường không thấy được. Đó chính là nơi vi khuẩn bám vào.
Để khắc phục, ông Ngọc Minh đã phải mất tới 6 năm đầu tư nghiên cứu, tạo ra một loại hạt phụ gia có kích cỡ nano hoà vào thành phần men. Với kích cỡ như vậy, các hạt phụ gia đã lấp kín được những lỗ nhỏ nhất. Công nghệ này không chỉ giúp tăng cường khả năng chống bám bẩn cho sản phẩm mà còn đảm bảo an toàn tối đa cho sức khoẻ của người sử dụng.
Hiện Minh Long I vẫn tiếp tục hướng tới những thị trường khó tính với chiến lược đẳng cấp hàng hiệu. Còn riêng ông Ngọc Minh vẫn tin rằng sản phẩm Minh Long I sẽ gần gũi hơn với người tiêu dùng nội địa vì giá thành sẽ phản ánh đúng chất lượng sản phẩm.
Xuất khẩu gốm sứ sang Mỹ dẫn đầu về kim ngạch |
Không đổi tên 'Con đường gốm sứ ven sông Hồng' |
Hà Nội: Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững ngành gốm sứ |