Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25. |
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới. Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc trình Quốc hội xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tiến hành cho ý kiến vào dự án Luật này. Một trong những điểm mới được đề cập trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ, dân phố, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, ở Điều 3 của dự thảo Luật có ghi là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 4 nhóm đối tượng, trong đó có người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ, dân phố.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết 28 là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trên cơ sở đó thì bổ sung đối tượng này.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, chỉ có người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong khi chế độ và chính sách được hưởng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố là giống nhau, nhất là gần đây chúng ta triển khai Nghị định số 33 ngày 10/6/2023 quy định về các chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. |
Tuy nhiên, để luật vận hành hiệu quả, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm trường hợp nhóm đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố khi bị ốm đau, cần thanh toán chế độ ốm đau thì ai sẽ là người xác nhận việc này. Việc kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện như thế nào.
Ngoài ra, tại Điều 3 quy định mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý, điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương. Ở Điều 3 dự thảo luật đã quy định “bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia”.
Tuy nhiên, điều khiến Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh quan tâm và nhận thấy các tài liệu của dự thảo Luật chưa luận giải được cơ sở lý luận và thực tiễn nào để chúng ta bắt buộc các đối tượng này phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng chưa rõ được tác động tới kinh tế - xã hội khi bắt buộc các đối tượng này phải tham gia bảo hiểm. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn các đối tượng vừa nêu là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, vì các đối tượng này không phải là người không hưởng tiền lương mà bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thì cần phải làm rõ hơn cơ sở lý luận, thực tiễn và đánh giá tác động đối với các đối tượng mà chúng ta mở rộng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Liên quan đến bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hiện nay có nhiều đối tượng lao động mới tham gia như mô hình công nghệ 4.0, mô hình kinh tế chia sẻ, công ty công nghệ nền tảng nên quan hệ lao động rất khác. Trước đây chỉ là giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng hiện nay là 3 bên vì thêm công ty kinh doanh dịch vụ, công ty nền tảng như Grab, Uber…
Ngoài ra, hiện nay có thêm các đối tượng lao động tự do, lao động công nghệ, lao động từ xa… Ở trên thế giới, nhiều nước đã công nhận nhóm lao động này là có quan hệ lao động. Vì thế, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng cần nghiên cứu, xem xét có nên bổ sung nhóm này vào đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không.
Đề cập việc mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định trong Luật Hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm: Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng cho những người điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác nhưng trong Luật Hợp tác xã còn cả những tổ hợp tác có đăng ký, tổ trưởng, người đại diện theo ủy quyền của các thành viên. Cần thiết thì cơ quan soạn thảo dự án Luật có thêm sự đánh giá tác động để bổ sung những đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Ngoài quy định trong Luật Hợp tác xã về các đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì những thành viên của tổ hợp tác, của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội nhưng tự nguyện tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì Nhà nước phải có cơ chế để hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hiện cơ chế để hỗ trợ cho những đối tượng trên tham gia tự nguyện chưa rõ. Vì vậy, đề nghị phải bổ sung thêm cho rõ chính sách này để bảo đảm tính khả thi và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. |
Trước những ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Cơ quan soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, làm rõ hơn các đối tượng đã được đề xuất và có thể nghiên cứu các đối tượng khác có quan hệ lao động. Việc tiếp thu, nghiên cứu sẽ năng động, linh hoạt, trên cơ sở bám vào Bộ Luật Lao động, tiêu chí Bộ Luật Lao động đặt ra./.
Những lao động nào thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc? |
Các mức trợ cấp bảo hiểm xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2023 |
Từ 1/7, mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất 36 triệu đồng/tháng |