![]() |
Nhiều vườn cam tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bị bỏ hoang, không ai chăm sóc. |
Hàng trăm ha cam sành bị chặt hoặc bỏ hoang
Huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn của tỉnh. Trước đây, toàn huyện có hơn 400 ha cam, được người dân trồng nhiều tại các xã Ea Wer, Ea Nuôl... Tuy nhiên, theo Phòng NNPTNT huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), hiện nay trên địa bàn chỉ còn khoảng 150 ha cam. Diện tích trồng cam bị sụt giảm vì giá cam nhiều năm nay rất thấp, người dân bỏ bê chăm sóc và chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng mới.
Ông Nguyễn Văn Lăng (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) trồng hơn 5 ha cam từ năm 2015. Lúc đầu giá bán ổn định nên thu nhập từ vườn cam của gia đình ông khá tốt. Nhưng nhiều năm nay giá thu mua cam giảm xuống rất thấp, trong khi chi phí đầu tư lại cao nên ông Lăng đã bỏ hẳn, không còn đầu tư, chăm sóc vườn cam.
Tương tự, ông Phạm Văn Ngọc (cũng ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) quyết định chặt bỏ nhiều gốc cam để trồng nhãn, sầu riêng… Vườn của ông rộng 4 ha, được trồng xen canh nhiều loại cây khác nhau, trong đó cam chiếm diện tích lớn. Cam sành mất giá từ nhiều năm nay, nhưng ông vẫn cố chăm sóc với hy vọng giá bán sẽ lên. Thế nhưng giá cam ngày càng thấp buộc ông phải chặt bỏ.
![]() |
Giá cam đang xuống thấp khiến nông dân trồng cam sành Đắk Lắk thu không đủ bù chi. (Ảnh minh họa) |
Ông Ngọc cho biết, với tình hình đầu tư và chăm sóc cây cam trên địa bàn thì nông dân phải bán với giá từ 12.000 – 15.000 đồng/kg cam mới không bị lỗ. Tuy nhiên, giá bán hiện chỉ dưới 10.000 đồng/kg, thậm chí có lúc vườn cam của ông phải bán giá 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Trước đây, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Du lịch Phú Nông Buôn Đôn có nhiều thành viên là nông dân trồng cam, nhưng giá cam thấp nên nhiều người đã chặt bỏ. Hiện nay diện tích trồng cam của các thành viên HTX chỉ còn khoảng 3,5 ha.
Ông Trần Văn Toàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Du lịch Phú Nông Buôn Đôn cho biết: “Cam được mua với giá rất thấp, trong khi chi phí đầu tư cao nên nhiều thành viên đã chuyển từ trồng cam sang các loại cây trồng khác. HTX cũng đã mua các thiết bị máy móc giúp chế biến, sấy lạnh các sản phẩm nông sản, trong đó có cam để tăng giá trị sản phẩm”.
Điệp khúc trồng - chặt và sự bền vững của ngành nông nghiệp
Nhận định về việc người dân bỏ hoang vùng cam, bà Trần Thị Thủy, Phó Phòng NN&PTNT huyện Buôn Đôn cho rằng, diện tích đất trên địa bàn huyện tương đối khô cằn nên việc chăm sóc, đầu tư cho cây cam sẽ có nhiều khó khăn hơn.
Đây là một hạn chế nhưng cũng là một điểm mạnh, bởi nếu người dân trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì cam sẽ rất ngọt và chất lượng. Thế nhưng hiện giá cam thấp nên nông dân hầu như đã bỏ trồng cam chuyển sang loại cây trồng khác, trừ những vườn cam diện tích lớn được đầu tư công nghệ hiện đại.
![]() |
Năm 2022, diện tích trồng cam của huyện Ea Kar giảm còn khoảng 167 ha. (Ảnh minh họa) |
Để hạn chế tình trạng trồng ồ ạt một loại cây trồng mới, bà Thủy cho biết: “Phòng vẫn tuyên truyền, vận động bà con không nên trồng ồ ạt một loại cây theo thị trường, nhưng việc quyết định vẫn nằm ở người dân nên rất khó để có thể ổn định cây trồng trên địa bàn”.
Việc chặt bỏ cây cam vì giá quá rẻ không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Buôn Đôn mà còn diễn ra ở một địa phương trồng cam nổi tiếng khác là huyện Ea Kar. Theo Phòng NNPTNT huyện Ea Kar, năm 2020, diện tích trồng cam trên địa bàn huyện khoảng hơn 300 ha; năm 2022, giảm còn khoảng 167 ha.
Từ nhiều năm nay điệp khúc "trồng - chặt" không chỉ diễn ra trên vùng cam mà khá phổ biến với nhiều loại cây trồng, thể hiện sự bấp bênh của ngành nông nghiệp. Ngay thời điểm này, khi sầu riêng sốt giá, khắp nơi ồ ạt trồng. Trước đó là câu chuyện ồ ạt trồng cây vàng đen, giờ tiêu thua lỗ lại chặt. Việc lựa chọn một giống cây trồng phải đầu tư dài hơi chứ không chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt. Nếu cứ ồ ạt trồng thì dù có là vàng đen hay cây tỷ đô thì cũng không đỡ nổi khi cung vượt cầu./.