Đặc sản cam Cao Phong: Giá cam tăng cao, tiểu thương ngại cắt Đặc sản cam xoàn, quýt đường miền Tây rớt giá mạnh Giá cam cao ngất do mất mùa, người trồng cam ở Nghệ An vẫn ung dung chờ Tết |
Giá cam sành ở Vĩnh Long có thời điểm chỉ còn 1.000 đến 2.000 đồng/kg. |
Đứng ngồi không yên với nỗi lo bỏ thối hàng tấn cam
Từng bao phen đối mặt với cảnh rớt giá, nhưng chưa bao giờ trái cam ngọt ở miền Tây lại rớt thảm như hiện nay. Trong thời buổi giá cả leo thang nhưng ít ai tưởng tượng nổi mỗi kg trái mọng nước, cực bổ dưỡng cho sức khỏe lại được bán với giá 1 nghìn đồng, loại xấu hơn chỉ còn 800 đồng. Một mức giá khiến người trồng cam sẵn sàng để trái rụng thối tại vườn chứ không buồn hái vì có bán được cũng lỗ công thuê.
Như ngồi trên đống lửa là tâm trạng của anh Trần Anh Thoại (42 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Nơi đây được ví như "thủ phủ" cam sành của miền Tây, với hàng ngàn héc ta cam đã chín vàng nhưng chỉ thấy bóng dáng lo âu của nhà vườn chứ thương lái thì vẫn biệt tăm. Theo anh Thoại cho biết, hiện gia đình có hơn 1,5 ha cam sành đang vào vụ. Mấy ngày nay cam chín vàng trĩu cây nhưng không tìm được thương lái đến mua, đành phải neo chờ.
Dù vô cùng lo lắng nhưng gia đình anh Thoại vẫn cố chờ đợi thêm một tuần nữa, đó là thời hạn cuối để quyết định có nên hái bỏ trái cam. Bởi theo kinh nghiệm làm vườn thì không thể để trái tự rụng, sẽ ảnh hưởng tới cây cam cho vụ sau. Với giá bán 2.000 đồng/kg (cam đẹp) hiện nay mà không tăng trong thời gian tới thì những nhà vườn như anh Thoại chắc chắn sẽ vỡ nợ. Bởi ngoài 1,5ha cam trồng trên đất nhà, anh còn thuê đất trồng thêm 2,5 ha nữa vì thời điểm năm trước cam được giá và có lãi cao.
Giá cam quá rẻ không đủ chi trả tiền công thuê người hái. |
Hiện nhiều nhà vườn trồng cam tại huyện Tam Bình, huyện Trà Ôn và thị xã Bình Minh cho biết gần 1 tháng nay giá cam liên tục giảm. Ông Nguyễn Văn Út (quê Trà Vinh) cho hay ông cùng vợ và một số anh em lên xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh thuê 70ha đất để trồng cam.
"Hiện cam già còn xanh, loại tốt nhất có giá 4.000 - 6.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Còn loại cam đã chín thương lái không mua, hoặc mua thì cũng chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg", ông Út nói.
Ông Út cho biết thêm, để trồng cam ông phải thuê đất giá 6 triệu đồng/công/năm. Chi phí vật tư giờ cũng rất đắt, gấp đôi mấy năm trước. Tiền thuê nhân công làm xuyên suốt.
"Anh em tui giờ như ngồi trên đống lửa, ít tháng nữa 30ha cam của tôi thu hoạch rộ. Nếu giá như bây giờ là lỗ nặng", ông Út than.
Theo một thương lái thu mua cam ở H.Trà Ôn cho biết, hiện tại giá cam mua tại vườn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, cam xấu thì 800 - 900/kg, cam đẹp cao hơn 2.500 - 3.000 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên giá cam giảm thê thảm như vậy, nguyên nhân do cam đợt này nhiều, trùng với cam của miền ngoài nên giá rớt thê thảm. Mua ở đây giá vậy chứ ra chợ tôi bán sỉ chỉ có 3.000 - 4.000 đồng/kg, có lời được bao nhiêu đâu; còn công cắt, vận chuyển nữa.
Mỗi công cam lỗ hàng trăm triệu đồng
Theo ông Nguyễn Văn Trạng - chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, cho biết cam sành rớt giá thê thảm, nông dân trên địa bàn huyện đang gặp rất nhiều khó khăn. Có loại thương lái không mua, hoặc mua với giá rất thấp. Nhà vườn không bán thì bỏ rụng.
Ông cho biết thêm trước đây Trà Ôn có 14.000ha đất trồng lúa. Nhưng nay chỉ còn 3.000ha, còn cam sành chiếm hơn 9.500ha. Đây là địa phương trồng cam lớn nhất tỉnh Vĩnh Long.
"Riêng xã Thới Hòa 100% diện tích trồng cam, không còn diện tích lúa. Trước đây, cam sành chỉ có ở xã Hựu Thành, Thới Hòa, nay diện tích trồng cam sành phát triển mạnh sang các xã khác. Thậm chí các huyện lân cận như Tam Bình, Vũng Liêm… cũng bắt đầu trồng cam. Dân ở Trà Vinh cũng rủ nhau lên Vĩnh Long thuê đất trồng cam. Nguồn cung bây giờ quá nhiều", ông Trạng cho biết thêm.
Huyện Trà Ôn được ví như "thủ phủ" cam sành của miền Tây. |
Thông tin về tình trạng cây cam của địa phương, ông Huỳnh Văn Năm, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Thới Hòa (H.Trà Ôn) cho biết, xã hiện có 1.660ha đất trồng cam sành, chiếm 100% đất nông nghiệp. Diện tích trồng cam sành tăng nhanh từ khoảng năm 2017, nay đã có đến 1.300 ha trồng cam. Trung bình mỗi công cam cho năng suất từ 7 - 15 tấn. Với giá bán hiện tại trên dưới 2.000 đồng/kg cam đẹp thì người nông dân cầm chắc lỗ vì đầu tư mỗi công cam mới từ 100 - 120 triệu đồng. Các vườn cam "ăn" vụ đầu thì lỗ cả trăm triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Sang (Hai Sang), ngụ ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- người từng được mệnh danh là “tỷ phú cam sành”, chua xót: “Năm nay cam sành rớt giá chưa từng thấy, cam tới lứa thu hoạch chín vàng cây, nhưng thương lái mua cầm chừng. Hiện vườn tôi còn khoảng 40 - 50 tấn cam chín ngọt ngất luôn, nhưng vẫn chưa tiêu thụ hết. Con rể có xe tải nhỏ, chở lên Cần Thơ bán lẻ, may mắn mỗi ngày bán cũng được hơn 1 tấn trái”.
Giá cam bèo bọt và điệp khúc được mùa rớt giá
Ước tính mỗi ha cam ở đất Trà Ôn cho năng suất khoảng 50 tấn. Với hơn 9.000ha diện tích trồng cam thì mỗi ngày địa phương này tồn đọng hơn 1.000 tấn trái. Khi được hỏi, nhiều nhà nông trồng cam cũng không biết lý do vì sao cam rớt giá đến vậy. Họ chỉ nghe thương lái nói mùa này còn lạnh nên không ai uống nước cam. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, giá cam nhiều tuần nay liên tục giảm. Nhiều vườn cam chín rụng nhưng vẫn không có người mua.
Thông tin từ ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN-PTNT H.Trà Ôn cho biết, diện tích cam ở huyện đã tăng rất nhanh. Nếu như năm 2018, diện tích trồng cam chỉ hơn 3.900 ha, thì đến đầu năm nay, diện tích trồng cam đã tăng lên hơn 9.500ha. Các hộ dân ở địa phương chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cam sành theo quy định về linh hoạt chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở địa phương.
Mỗi ngày tại huyện Trà Ôn tồn đọng hơn 1.000 tấn trái cam đến ngày thu hoạch chờ tiêu thụ. |
"Trước đây cũng có nhiều hộ giàu lên từ cây cam sành này, nhưng hiện tại diện tích trồng cam tăng cao, vụ cam này trùng với vụ cam của miền ngoài nên dẫn đến dội chợ. Thứ 2, cam sành thường được chuyển ra miền ngoài bán, nhưng hiện nay vẫn đang mùa lạnh, dẫn đến tồn đọng cam số lượng lớn. Nhưng đa phần các hộ lỗ vốn là do các hộ trồng tự phát sau này, chứ những hộ trồng từ lâu đã có đầu mối vẫn bán được lấy vốn và có lời", ông Tám cho biết thêm.
Cây cam vốn là cây có giá trị kinh tế cao, là cây chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại nhiều địa phương ở Vĩnh Long. Thực tế nhiều năm qua, nhiều nông dân trở thành triệu phú từ cây cam. Tuy nhiên, việc thiếu chủ động trong quy hoạch vùng trồng và kết nối thị trường, khiên trái cam luôn bị động. Cam được mùa mất giá là không mới, nhưng với giá rớt thảm như hiện nay khiến người trồng không khỏi thấp thỏm, lo âu, rất cần ngành chức năng sớm tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ ổn định để vụ cam bớt... đắng./.