Cấm hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi Làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân Điều kiện cấp giấy phép hoạt động cơ sở khám, chữa bệnh |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường.
Thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất quan trọng đối với dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, các ý kiến của các đại biểu thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn vượt khám, chữa bệnh sửa đổi lần này thực sự đổi mới căn bản về chất, đồng thời giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành y tế đang gặp phải trong thực tiễn và đúng quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, với mục tiêu chất lượng, hiệu quả phát triển trong công tác chăm sóc cho sức khỏe Nhân dân. Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình thấu đáo.
Về thiết chế Hội đồng y khoa, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề. Tại nhiều nước trên thế giới trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế thực tiễn tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời kế thừa Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, Dự thảo luật lần này quy định Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng khẳng định, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng y khoa quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và do Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
Về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh và chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, suy dinh dưỡng là một loại bệnh và có các mức độ khác nhau, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh.
Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể và đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của mỗi người bệnh, việc điều trị thường thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất vi chất. Hiện nay, quỹ bảo hiểm y tế đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30 năm 2018.
"Bộ Y tế nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết. Trong phạm vi của luật này và để đảm bảo cân đối với các điều khoản khác cũng như đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì quy định như Điều 65 của sự thảo luật là phù hợp", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói .
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giải trình về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Hiện tại, dự thảo luận đưa ra ba cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và do Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng La, phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành ba cấp chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh, trong các cơ sở; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện, cũng như khắc phục được bất cập liên quan đến vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp |
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ, khẩn trương đã có 25 ý kiến đại biểu phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trên tinh thần xây dựng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án Luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và có tính chuyên môn cụ thể. Vì vậy, phiên thảo luận cũng đã nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội góp ý cho những vấn đề chung cũng như những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.