Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Luật Dầu khí hiện hành vẫn có một số tồn tại, bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí, hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi, chẳng hạn như chưa có quy định điều chỉnh đối với đối tượng dầu khí phi truyền thống (như dầu khí sét, băng cháy,...);
Chưa có quy định về các dự án khai thác dầu khí có hệ thống thiết bị được xây dựng ngoài diện tích hợp đồng đã được xác định ban đầu hoặc triển khai theo chuỗi; quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn (hợp đồng có thời hạn dài hơn hoặc theo đời mỏ).
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình |
Bên cạnh đó, Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định phù hợp cho việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí để có thể khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên trong thời gian còn lại. Các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí theo lô dầu khí (thông qua hợp đồng dầu khí) đã được ban hành từ năm 2005, đến nay một số tiêu chí không còn phù hợp với tình hình thực tế; chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí theo lô, mỏ tận thu dầu khí, cận biên, phi truyền thống,...
Quy định khung về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán hợp đồng dầu khí chưa đầy đủ; chưa có quy định về việc xử lý chi phí rủi ro trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí đối với doanh nghiệp nhà nước. Chưa có quy định về việc cho phép bên thứ ba được tiếp cận các hạ tầng cơ sở sẵn có của ngành dầu khí để nâng cao hiệu quả sử dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác. Theo quy định của Luật Dầu khí hiện hành, trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư dầu khí thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (điểm b khoản 2 Điều 38).
Tuy nhiên, từ năm 2020 theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động dầu khí thực hiện theo Luật Dầu khí (điểm đ khoản 3 Điều 4).
Cùng với đó, một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các Luật khác có liên quan, cụ thể như quy định các bước thực hiện hoạt động dầu khí/dự án dầu khí; quy định về nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí...
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2000, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra |
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam có vị trí quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại; có tác động lan tỏa đối với các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động cũng như đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước từ khi Luật Dầu khí được ban hành lần đầu năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và 2018 cho tới nay đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, tham gia thị trường dầu khí toàn cầu và khu vực.
Do đó, ngành công nghiệp dầu khí cần có những bước chuyển biến toàn diện, đồng bộ và cần có sự cải cách từ cách thức quản lý nhà nước đến việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại đối với các hoạt động dầu khí theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý, giảm bớt các đầu mối và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 94/TTr-CP của Chính phủ, đồng thời, để đáp ứng yêu cầu: Xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước trước tình hình mới, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian. Đồng thời, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn khí tự nhiên, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Phát biểu tại Phiên họp, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí. Các đại biểu đánh giá dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành; luật hóa một số quy định phù hợp tại các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí; sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn Luật hoặc được quy định không còn phù hợp.
Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật đã khẳng định quy định tại dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận |
Nhận định Dự thảo Luật tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, một số đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về việc nội luật hóa các quy định tại các điều ước quốc tế song phương trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực dầu khí, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Chính phủ đã tích cực, chủ động chuẩn bị dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Hồ sơ dự án Luật đã cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để đáp ứng yêu cầu cần bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 bảo đảm thời hạn theo quy định./.