Mỗi con bò chỉ có 2 lõi rùa nên loại thịt này đã đắt lại còn hiếm |
Với người sành ăn, lõi rùa bò ta có lẽ là thực phẩm đã quá quen thuộc. Lõi rùa là phần lõi bên trong của bắp bò, nơi tập trung nhiều gân nhất. Những đường gân chạy dọc trên lõi thịt này có hình dạng giống như các vân trên mu rùa, nên được gọi là lõi rùa.
Lõi rùa rất giòn, không dai tí nào, ăn sần sật dễ nghiện vô cùng, thịt lại ngọt lịm nên rất nhiều gia đình khoái khẩu, đặc biệt là người gốc Bắc.
Lõi rùa là của hiếm vì cả con bò nặng hàng trăm kg chỉ có 4 lọn lõi rùa bé tí, độ non 1kg. Một chị bán thịt bò lâu năm mách nước: Nên tìm hai lõi rùa bắp bò chân sau thì sẽ ngon hơn nhiều do lõi to mà cũng nhiều gân, trong khi hai lõi phía chân trước nhỏ, dẹp không ngon.
Trên thị trường, nhiều nơi rao bán lõi rùa bò, nhưng giá phụ thuộc vào từng loại. Ví như lõi rùa đông lạnh nhập khẩu có giá tương đối rẻ. Còn lõi rùa bò ta - loại bò chăn thả ở các vùng quê hoặc trên vùng núi - có giá cao ngất ngưởng, lên tới 500.000-700.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. Thế nhưng, muốn ăn cũng chưa chắc mua được vì mặt hàng này luôn trong tình trạng cầu nhiều, cung ít. Dịp Tết, lõi rùa bò lại càng được giới sành ăn săn mua nhiều hơn.
Chị Đào Hoa, đầu mối bán các món ăn đặc sản Tây Bắc ở Mùn Chung (Tuần Giáo, Điện Biên), thừa nhận, khách Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đặt mua lõi rùa bò rất nhiều nhưng chị không đủ hàng bán.
Mỗi con bò chỉ có 2 lõi rùa. Mỗi lõi rùa khoảng 250-300 gram. Một ngày chị gom mua lõi rùa ở khắp vùng cũng chỉ được 3-4kg. Do đó, khách muốn ăn đều phải “xếp hàng” chờ tới lượt. Theo đó, khách đặt trước sẽ được giao hàng trước.
Dịp Tết này, thời gian chờ đợi chị giao hàng lại càng lâu hơn vì lượng khách đặt lõi rùa tăng gấp 2-3 lần ngày thường.
“Ở Điện Biên dân chăn thả bò trên đồi nên chất lượng lõi rùa lại càng thơm ngon hơn. Thế nên, có những khách sành ăn còn đặt mua cả chục cân mỗi lần để được giá sỉ”, chị cho hay.
Món ngon từ lõi rùa
Loại thịt này chế biến được nhiều món ăn ngon |
Khi chế biến lõi rùa, cực nhất là khâu thái thịt do lõi rùa nhiều gân nên khi thái phải ghì tay và dao phải thật bén.
Nếu mua ở quán quen, có thể nhờ chị bán thịt bò thái sẵn, đem về nhà sẽ đỡ cực công hơn. Mua lõi rùa đã khó, chế biến sao cho khỏi uổng cũng làm không ít các chị nội trợ nhíu mày suy nghĩ.
Một chị nội trợ nhiều kinh nghiệm trên webtretho chia sẻ: “Mình chưa bao giờ dám mang lõi rùa ra luộc vì sợ phí, nên chỉ trần qua để ăn, như thế mới ngon”. Trong các món lẩu, giữa cua, tôm, cá hồi, nghêu…, lõi rùa cũng không hề kém cạnh, anh bạn đi cùng tôi cứ rấm rức khen: “bò bắp gì mà ngon thế nhỉ” rồi tù tì chén trong khi bỏ quên các thứ hải sản khác của món lẩu thập cẩm vì anh trót bén duyên lõi rùa lúc nào không hay, rồi vừa gắp vừa tự "hứa với lòng": kỳ này nhờ bà xã mua lõi rùa chế biến đồ nhắm dài dài.
Muốn lõi rùa thêm đậm đà, ngậy mùi thơm thì ướp lõi rùa xắt mỏng với sả cây băm nhuyễn, chút gừng, nước tương, hành tím đập dập, tiêu, muối, sau đó để vài mươi phút cho thấm rồi bắc chảo dầu nóng lên bếp. Chỉ cần đảo lõi rùa sơ với chút hành tây cắt mỏng rồi dọn ra đĩa.
Gắp một gắp lõi rùa, chấm tí mắm gừng mằn mặn cho vào miệng, vị giòn, ngọt, sừn sựt rồi mùi thơm nồng của sả, gừng lan tỏa khiến món ăn trở nên tuyệt hảo không ngờ, ăn hoài không ngán.
Ngày mưa, vợ dọn tô canh cà chua nóng với lõi rùa lát mỏng “lặn hụp” trong đó thì bảo đảm chồng khen suốt mấy ngày. Hay thi thoảng, cả nhà chán cơm thèm phở, mua ít lõi rùa, kèm bắp bò về nhà nấu phở, cùng xì xụp cũng ngon khỏi chê.
Ngoài ra, lõi rùa nhúng dấm pha nước dừa xiêm, ăn kèm bún cũng ngon rất đẳng cấp.
Chưa hết, lõi rùa xào giá vừa ngon lại chế biến đơn giản là món bồi bổ cực tốt cho quý ông trong giai đoạn chuẩn bị cùng vợ… sinh con khỏe mạnh và thông minh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý III/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt bò, thịt trâu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021. |